Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng:
“Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn” – Bài 4
(BDO) Bài 4: Nghĩa vụ quốc tế vẻ vang
Ngày 7-1-1979, Campuchia tuy được giải phóng nhưng đất nước này gần như bị tàn phá, phải bắt đầu lại từ con số 0 trong tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, Chính phủ hai nước Việt Nam- Campuchia đã ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác toàn diện với phương châm “Ngành giúp ngành, tỉnh giúp tỉnh, huyện giúp huyện”.
Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia chăm sóc cho trẻ em nước bạn. Ảnh: T.L
Ký ức một thời
Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ Trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pôn Pốt còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia để nhân khi lực lượng cách mạng của nước bạn còn yếu, chúng hy vọng phản công chiếm lại thủ đô Phnôm Pênh với ảo tưởng lập lại chính quyền phản động diệt chủng. Và lúc này, đất nước Campuchia gần như phải bắt đầu đi từ con số 0 trong tất cả các lĩnh vực. Một đất nước bị tàn phá nặng nề, người dân bị tàn sát, kinh tế bị kiệt quệ.
Trước tình thế đó, ngày 18-2-1979, tại thủ đô Phnôm Pênh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động, kiến quốc, hòa bình của nhân dân mỗi nước.
Thực hiện những cam kết ghi trong Hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Hàng ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia. Nhờ đó, lực lượng cách mạng Campuchia dần dần lớn mạnh, từng bước bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, hồi sinh đất nước, tạo điều kiện để Quân tình nguyện Việt Nam rút dần về nước.
Với Đại tá Nguyễn Văn Vẹn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 732 (55), Sư đoàn 303 Quân khu 7 thì ký ức về những năm tháng làm quân tình nguyện là nhớ những hy sinh vô bờ bến của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giáp mặt kẻ thù, của những chiến sĩ ngày đêm sống trong phum làng xa xôi. Ông kể, tháng 2-1979, ông được điều sang phum Dum Đâm Prây, xã Tà Rộp, huyện Cheang P‘Rây, tỉnh Kam Pông Chàm làm Trung đội trưởng. Đơn vị có nhiệm vụ vừa đánh địch vừa giúp bạn xây dựng chính quyền.
Với Sông Bé - Bình Dương, để làm tốt hơn chủ trương giúp bạn, tháng 3-1979, đoàn chuyên gia giúp bạn Kratié đã được thành lập thay thế cho đoàn công tác giúp bạn được thành lập từ tháng 11-1978 khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đoàn gồm Ban lãnh đạo có 5 đồng chí và 5 tổ chuyên gia (tổ chuyên gia chính trị, tổ chuyên gia kinh tế, tổ chuyên gia quân sự và tổ chuyên gia huyện). |
Theo đại tá Nguyễn Văn Vẹn, khi đó phum Dum Đâm Prây là một phum nghèo hẻo lánh với khoảng 60 nhà lá thốt nốt tả tơi. Trẻ con bụng ỏng, không quần áo, người lớn đau ốm. Đã thế, bọn tàn binh Pôn Pốt vẫn thỉnh thoảng vào cướp bắp, gạo của dân. Đời sống người dân như cánh bèo trôi. Vừa chiều đã giục nhau đi ngủ ở xa cách phum 4 - 5 cây số, chỉ để người già giữ nhà. Do vẫn bị địch kích động, xuyên tạc, dân phum Dum Đâm Prây lúc này còn e dè khi tiếp xúc với bộ đội Việt Nam. Khi hành quân đến phum, việc đầu tiên là cán bộ, chiến sĩ giúp dân sửa sang lại nhà cửa; đồng thời tổ chức đi thăm hỏi bà con, thăm người già. Cán bộ, chiến sĩ tình nguyện còn tự trích khẩu phần mỗi người, mỗi ngày một lạng gạo giúp các gia đình thiếu đói, chữa bệnh cho các em nhỏ. Trung đội vận động thành công toàn phum xây dựng nếp sống vệ sinh, làm sạch trong nhà ngoài ngõ dùng nước giếng (trước đây bà con quen dùng nước ao tù). Với khẩu hiệu: “Cùng ở, cùng làm với dân”, mỗi tiểu đội có trách nhiệm làm mọi việc giúp chủ nhà của mình ở và các nhà xung quanh. Mọi ngõ ngách đều sạch sẽ gọn gàng. Phân trâu bò được gom lại ủ bón cho mùa vụ. Trẻ em được cắt tóc gọn gàng.
Chưa hết, trung đội còn dùng ván cũ đóng bàn, xin phấn của tiểu đoàn, vận động trẻ em 20 em học chữ. Trung đội 7 còn giúp đỡ chính quyền phum những kinh nghiệm tổ chức, xây dựng xóm. Thực hiện cuộc phát động các tiểu đoàn “Mỗi ngày, mỗi người làm một việc tốt giúp dân”. Toàn Trung đội 7 đều có sổ tay ghi việc tốt báo cáo vào mỗi buổi chiều. Cán bộ, chiến sĩ còn dành thời gian trong ngày để học tiếng nước bạn. Và sau một thời gian ngắn, bộ đội ta đã có thể giải thích tuyên truyền cho dân hiểu về cách mạng, tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Trước tình cảm quốc tế đậm đà trong sáng thể hiện qua nhiều hành động của trung đội khiến bà con cảm kích. Đại tá Nguyễn Văn Vẹn nói: “Người dân Campuchia khi ấy cảm kích lắm, cứ mong bộ đội Việt Nam ở với phum, phum sắp có lúa, dân sẽ tặng mỗi bộ đội một khăn krama làm kỷ niệm. Với người Campuchia, họ chỉ tặng khăn krama cho ai mà họ quý mến chân tình”.
10 năm giúp bạn
Với Sông Bé - Bình Dương, để làm tốt hơn chủ trương giúp bạn, tháng 3-1979, đoàn chuyên gia giúp bạn Kratié đã được thành lập thay thế cho đoàn công tác giúp bạn được thành lập từ tháng 11-1978 khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đoàn gồm Ban lãnh đạo có 5 đồng chí và 5 tổ chuyên gia (tổ chuyên gia chính trị, tổ chuyên gia kinh tế, tổ chuyên gia quân sự và tổ chuyên gia huyện).
Giúp tỉnh Kratié khi ấy, ngoài việc tiếp tục truy quét tàn quân địch thì phải khẩn cấp cứu đói, cứu đau, cứu người dân nước bạn khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Lúc này 3 phong trào cách mạng trong quần chúng được phát động là đánh địch, tăng gia sản xuất và xây dựng thực lực cách mạng. Trong đó, quần chúng đánh địch là phong trào được chú trọng hàng đầu. Song song đó, phong trào tăng gia sản xuất được phát động mạnh mẽ. Ngoài cứu trợ gạo, chúng ta còn chi viện về nông cụ, thủy lợi, giống… và tổ đoàn kết sản xuất giúp dân sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Để nhân dân nước bạn thực hiện quyền làm chủ, ta giúp bạn xây dựng hệ thống chính quyền các cấp, đoàn thể quần chúng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sông Bé, Phó Trưởng đoàn chuyên gia năm 1987-1988, cho biết 10 năm đoàn chuyên gia Kratié thay mặt cho nhân dân tỉnh Sông Bé giúp bạn là một sự kiện lịch sử, thể hiện tinh thần quốc tế chân chính, vô tư, trong sáng; tất cả vì tình bạn, cho tình bạn cao quý, hữu nghị giữa 2 tỉnh. Dẫu biết rằng, trong 10 năm đó, đoàn chuyên gia phải vượt qua muôn vàn khó khăn trong tình hình quân thù còn quyết liệt đánh phá, trong khi nước bạn chưa hồi sinh, trình độ dân trí thấp. Nhưng trong điều kiện khó khăn đó, đoàn chuyên gia đã đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên con đường phát triển cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho tỉnh bạn.
Hơn 10 năm trên đất bạn, với truyền thống anh dũng, kiên cường, cùng với đội quân tình nguyện của cả nước, các đơn vị của Sông Bé - Bình Dương đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần giải phóng đất nước Campuchia, tô thắm thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc. Những năm tháng vất vả hy sinh và chiến đấu quả cảm đó còn đọng mãi trong cuộc đời những cựu binh quân tình nguyện tại Campuchia (còn tiếp)
Năm 1989, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia đã đủ mạnh để tự xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày 30-6-1988, lễ tiễn trọng thể Bộ Tư lệnh, các cơ quan của Bộ Tư lệnh và chuyên gia quân sự Việt Nam về nước diễn ra ở Phnôm Pênh với sự chứng kiến của 5 vạn nhân dân Campuchia và 200 nhà báo các nước. Cùng thời gian đó, ở các hướng khác, 5 vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc. Lực lượng Quân tình nguyện còn ở lại đặt dưới quyền lãnh đạo và chỉ đạo chỉ huy của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng nước bạn. Tháng 12-1989, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, rút quân toàn bộ khỏi Campuchia.
THU THẢO