CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG:
“Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn” - Bài 1
(BDO)
LTS: Chỉ từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1978, chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội và đẩy đất nước Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Đối với Việt Nam, chúng vô cớ coi Việt Nam là “kẻ thù số 1” và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường. Không còn con đường nào khác, Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến để bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào mình và đứng về phía quân cách mạng Campuchia để giải phóng dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.
Bài 1: Cuộc chiến bắt buộc
“Tội ác trời không dung, đất không tha”
“...Chúng cưa cổ chồng chị bằng lá cây thốt nốt - Những lá cây cắt theo hình chữ nhật chiều dài 55 phân, chiều ngang 5 phân cạnh mỏng sắc và cứng như lá dừa. Năm hàng kinh phật khắc chìm trong lá. Mỗi chùa có hàng trăm pho kinh phật bằng lá thốt nốt xếp chật từng gian nhà. Những lá cây khắc lời từ bi của Đức Phật được giao cho hai người lính cận vệ của tiểu đoàn trưởng làm công cụ cưa cổ chồng chị… Lá cây thốt nốt kéo căng, cạnh sắc như một con dao mỏng. Ngay từ lúc hai người lính bắt đầu đặt lá kinh vào cổ miết xuống làn da người bác sĩ, tiếng è è đã phát ra và chúng miết chặt, cưa vào nơi phát ra cái âm thanh ấy. Đến khi lá kinh nóng lên, lớp da cổ đứt, thì máu ứa xuống thành vũng hai bên. Cổ người bác sĩ há ra…”. Đoạn văn này được trích trong truyện ngắn “Một người đàn bà” của nhà văn Lê Lựu đã tố cáo tội ác ghê rợn của Pôn Pốt. Chúng giết hại người dân Campuchia vô tội, tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của chúng ta. Vì vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia trên nước bạn Campuchia
Ngày 17-4-1975, sau khi lật đổ quân đội Lon-Nol do Mỹ ủng hộ giành chính quyền, tập đoàn Pôn Pốt đã thực thi bước “đại nhảy vọt” bằng sự diệt chủng chưa từng có trong lịch sử đất nước Campuchia. Chúng đã quyết định 3 chủ trương cực kỳ phản động: Làm sạch nội bộ nhân dân; xác định Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp; xây dựng xã hội mới mô phỏng cực đoan kiểu “công xã”, mà thực chất là một dạng trại tập trung trá hình như thời Đức Quốc Xã.
Dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt, đất nước Campuchia đã trải qua thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc này. Người dân bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố và các khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, xã hội Campuchia gần như “đóng cửa” với thế giới bên ngoài. Một chế độ không trường học, không dùng tiền, không lương bổng, không chợ búa, không thanh toán thương mại, không thương gia, không tôn giáo; người dân bị cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn nhẫn và bị sát hại một cách man rợ… Chúng biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể… Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (từ tháng 4 năm 1975 đến cuối năm 1978), chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội và đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Người dân Campuchia không còn cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Trong lòng họ chỉ còn lại nỗi căm thù và uất hận. Hàng trăm ngàn người Campuchia phải rời bỏ quê hương chạy sang Việt Nam và các nước lân cận để lánh nạn.
Đối với Việt Nam, tập đoàn phản động Pôn Pốt chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; ra sức vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ hai nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.
“Giúp bạn là tự giúp mình”
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Chúng ta đã thực hiện chủ trương giảm quân thường trực kể cả các quân khu ở phía Nam để tập trung cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng, phát triển đất nước. Trước hành động khiêu khích, xâm phạm biên giới Tây Nam Việt Nam của quân Pôn Pốt, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chúng ta thực hiện nghiêm các thỏa thuận tại cuộc gặp mặt đại diện Việt Nam và Campuchia tại Phnôm Pênh diễn ra vào tháng 4-1976.
Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh năm 1979
Kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với Campuchia, Quân ủy Trung ương Đảng ta đã chỉ thị cho các quân khu, tỉnh có đường biên giới với Campuchia tăng cường đoàn kết với nhân dân Campuchia, tránh mọi sự khiêu khích. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12-1976, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng lợi ích của nhau, làm cho ba nước vốn gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước”.
Nhưng bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam; huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.
Và trong 2 năm (từ 30-4- 1975 đến 30-4-1977), Pôn Pốt đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chúng phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối, kích động tâm lý chống Việt Nam, xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương, trong đó điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam. Trong hai tháng 3 và 4-1977, quân Pôn Pốt liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới với nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân ra biên giới. Pôn Pốt tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn chiến lược sống còn, không thể điều hòa được, cũng không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”. Cuối tháng 4-1977, Pôn Pốt điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của nước ta. Đêm ngày 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt là không thể dung tha. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng để hồi sinh đất nước Campuchia. (còn tiếp)
THU THẢO