Lập lại trật tự ngành nghề kinh doanh phế liệu và chăn nuôi heo: Kiên quyết xử lý các trường hợp “chây ì”

Thứ tư, ngày 14/07/2021

(BDO) Trước đây, hoạt động kinh doanh phế liệu (KDPL) và chăn nuôi heo (CNH) trên địa bàn TX.Tân Uyên được xem là một trong những vấn đề “nóng” gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Để chấm dứt tình trạng trên, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đưa hoạt động KDPL đi vào nề nếp, số hộ CNH giảm đáng kể, góp phần xây dựng đô thị Tân Uyên văn minh, xanh, sạch, đẹp.


Đường Khánh Bình 10 là một trong 3 tuyến đường trên địa bàn phường Khánh Bình nằm trong quy hoạch vùng kinh doanh phế liệu

Chuyển biến tích cực

Để lập lại trật tự ngành nghề KDPL trên địa bàn, TX.Tân Uyên đã chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở không bảo đảm các điều kiện theo quy định. Nói về công tác này, ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Khánh Bình, cho biết: “Ngay từ đầu năm, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, đồng thời củng cố và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ kiểm tra cơ sở KDPL xây dựng lịch kiểm tra cụ thể từng khu phố. Qua kiểm tra, trên địa bàn phường hiện có 20 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở không phép, chính quyền địa phương đã nhắc nhở các cơ sở phải bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, không để hàng hóa lấn chiếm hành lang vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường. Đối với 2 cơ sở không phép nằm trong tuyến đường phù hợp quy hoạch của địa phương, phường đã lập biên bản vi phạm hành chính và buộc 2 cơ sở này phải liên hệ với UBND thị xã lập thủ tục xin phép kinh doanh đúng theo quy định”.

Bên cạnh công tác kiểm tra, từ năm 2017 UBND TX.Tân Uyên đã quy hoạch vùng KDPL trên địa bàn 9 xã, phường. Từ đó giúp chính quyền địa phương thuận lợi trong công tác quản lý ngành nghề KDPL đi vào nề nếp, góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ những kết quả trên, các xã, phường đã gửi văn bản đề nghị cập nhật vùng quy hoạch cho địa phương, qua đó Phòng Tài nguyên - Môi trường TX.Tân Uyên đã tiến hành cập nhật quy hoạch vùng phế liệu vào quy hoạch sử dụng đất TX.Tân Uyên đến năm 2030. Trong đó, các xã, phường Tân Phước Khánh, Bạch Đằng, Thạnh Hội không quy hoạch vùng phế liệu. Các phường Uyên Hưng, Hội Nghĩa không tiếp tục quy hoạch vùng phế liệu.

Tính đến ngày 15-6, số hộ CNH trên địa bàn TX.Tân Uyên chỉ còn 19, giảm 432 hộ so với năm 2019. Các phường Hội Nghĩa, Phú Chánh và Khánh Bình không còn hoạt động CNH trong khu dân cư. Trên địa bàn TX.Tân Uyên hiện còn 48 cơ sở KDPL, trong đó có 11 cơ sở thuộc nhóm 1 (trên các trục đường chính) và nhóm 2 có 37 cơ sở (trên các tuyến đường nhánh, vùng quy hoạch KDPL dự kiến).

Song song với việc lập lại trật tự ngành nghề KDPL, UBND TX.Tân Uyên còn xây dựng và triển khai kế hoạch ngưng CNH trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND các xã, phường phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, giải thích cho chủ các hộ CNH hiểu rõ về chính sách, chủ trương của chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan về điều kiện chăn nuôi giúp người dân hiểu rõ ngành nghề này không còn phù hợp với quá trình phát triển đô thị của địa phương. Từ đó nhiều hộ CNH thống nhất, đồng tình với chủ trương của UBND thị xã để bảo đảm vệ sinh môi trường. Tính đến ngày 15-6, số hộ CNH trên địa bàn TX.Tân Uyên chỉ còn 19 hộ, giảm 432 hộ so với năm 2019. Trong đó, các phường Hội Nghĩa, Phú Chánh và Khánh Bình không còn hoạt động CNH trong khu dân cư.

Một số phường như Thái Hòa từng là điểm “nóng” về CNHtrong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng đến nay hầu hết số hộ CNH đã ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề. Nói về kết quả này, bà Trần Ngọc Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, cho biết: “Trước đây, trên địa bàn phường có đến 147 hộ CNH trong và ngoài khu dân cư không bảo đảm các tiêu chí về vị trí, điều kiện vệ sinh môi trường. Qua công tác tuyên truyền, đa số hộ CNH thống nhất và thực hiện chủ trương ngừng CNH. Tính đến nay trên địa bàn phường chỉ còn 1 hộ chưa thống nhất việc di dời. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải ở hộ này, sau khi có kết quả phân tích mẫu sẽ mời chủ hộ đến làm việc và đề nghị ngưng chăn nuôi heo, nếu không sẽ xử phạt theo quy định”.

Kiên quyết xử lý

Trên địa bàn TX.Tân Uyên hiện còn 48 cơ sở KDPL, trong đó có 11 cơ sở thuộc nhóm 1 (nằm trên các trục đường chính) và nhóm 2 có 37 cơ sở (trên các tuyến đường nhánh, vùng quy hoạch KDPL dự kiến). Theo bà Lê Thị Hồng Gấm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TX.Tân Uyên, để giải quyết dứt điểm tình trạng KDPL gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường, phòng tiếp tục kiến nghị UBND thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường vận động, buộc các cơ sở KDPL thuộc nhóm 1 phải di dời vào khu vực thuộc nhóm 2. Nếu các trường hợp này không di dời thì UBND các xã, phường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các cơ sở KDPL và chủ đất cho thuê mặt bằng, xem xét xử lý vi phạm về đất đai và vận động tự nguyện di dời. Nếu trường hợp nào tiếp tục “chây ì” thì chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng đất đai ban đầu, thời hạn hoàn thành cưỡng chế trước ngày 30-9.

Đối với cơ sở KDPL thuộc nhóm 2 phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết và hướng dẫn lập hồ sơ pháp lý đúng quy định. Riêng các cơ sở thuộc nhóm 2 nhưng ngoài vùng quy hoạch, đề nghị UBND các xã, phường vận động di dời vào vùng quy hoạch phế liệu và lập hồ sơ đúng quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra, không để phát sinh mới các cơ sở KDPL không phép trên địa bàn.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng Kinh tế TX.Tân Uyên, để giải quyết dứt điểm hoạt động CNH, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề; có kế hoạch di dời các hộ CNH nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường tiếp tục thực hiện lấy mẫu nước thải, từ kết quả phân tích nước thải sẽ mời các hộ CNH làm việc, vận động buộc ngưng nuôi heo theo đúng kế hoạch và tham mưu UBND thị xã xử phạt hành chính các trường hợp không chấp hành theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường cần thường xuyên kiểm tra, không cho các hộ, cơ sở chăn nuôi nhập heo con tăng đàn và tái đàn.

Phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo các ngành chức năng và UBND các xã, phường về kết quả xử lý các cơ sở KDPL, CNH trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên đề nghị UBND các xã, phường cần quyết liệt hơn nữa trong việc lập lại trật tự ngành nghề KDPL và CNH. Phấn đấu trong quý III-2021 sẽ hoàn tất việc xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với việc CNH trong khu dân cư, các xã, phường tiếp tục sử dụng kết quả phân tích mẫu nước thải để làm căn cứ xử lý; đồng thời vận động người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với quy hoạch và kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành, không để tái đàn. Phòng Kinh tế phối hợp với Phòng Tư pháp thị xã hướng dẫn UBND các xã, phường vận dụng các quy định pháp luật để xử lý các trường hợp CNH không chấp hành theo chủ trương của địa phương.

Đối với cơ sở KDPL, ông Nguyên đề nghị UBND các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra để có hướng xử lý phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết xử phạt các trường hợp đã vận động nhiều lần nhưng không chấp hành và không để phát sinh các cơ sở mới.

 NGUYỄN HẬU