lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt: Quyết liệt khi bước vào giai đoạn 3
(BDO)
Tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt (HLATĐB,ĐS) hiện khá phổ biến tại các địa phương trong cả nước. Gần đây, tình trạng này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ và đường sắt. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB,ĐS giai đoạn 2014-2020, các địa phương đã và đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch này.
Việc tăng cường lập lại trật tự HLATĐB,ĐS sẽ góp phần hạn chế TNGT. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tiến hành xử phạt xe ô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định trên đại lộ Bình Dương
Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành
Tại Bình Dương, để người dân nhận thức và có ý thức tự giác đối với chủ trương, kế hoạch giải tỏa HLATĐB,ĐS, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh đã kết hợp cùng Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến, tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị quản lý, các tổ chức và cá nhân có công trình nằm trong HLATĐB biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xác định và quản lý, bảo vệ HLATĐB.
Đối với đường sắt, Thanh tra giao thông đường sắt đã thực hiện cắm các biển tuyên truyền về ATGT đường sắt, ký hợp đồng với Đài Truyền thanh TX.Dĩ An phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ, chấp hành tháo dỡ những công trình trong HLATĐS và nhận thức được tầm quan trọng của việc lập lại trật tự HLATĐB,ĐS. Thanh tra giao thông đường sắt cũng đã tổ chức hội thảo về ATGT đường sắt tại UBND phường Dĩ An, địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Ngoài ra, đối với việc đấu nối đường địa phương vào quốc lộ, Sở GTVT đã thực hiện công tác quy hoạch các tuyến đường địa phương vào Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1K. Quy hoạch các điểm đấu nối các tuyến đường địa phương vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2013.
Theo kế hoạch, việc lập lại trật tự HLATĐB,ĐS trên địa bàn tỉnh được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2008 đến 31- 3-2009; giai đoạn 2 từ 1-4-2009 đến 2010 và giai đoạn 3 từ năm 2010 đến 2020. Đến nay, Bình Dương đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Riêng giai đoạn 3 do chưa được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, bố trí kinh phí thực hiện đền bù, thu hồi đất nằm trong HLATĐB,ĐS nên giai đoạn 3 chưa được thực hiện.
Theo đó, giai đoạn 1 và 2, Tổ công tác các huyện, thị xã đã thống kê các công trình, vật kiến trúc trong HLATĐB Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị với tổng diện tích cần phải giải tỏa là 24.322.184,45m2, ước tổng kinh phí dự trù thực hiện khoảng 12.395,62 tỷ đồng (tính giá đất tại thời điểm năm 2011).
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện
Tiếp tục thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB,ĐS từ nay đến năm 2020, Sở GTVT vừa đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, đối với đường bộ: Cần kiện toàn bộ máy tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa đối với các tuyến quốc lộ căn cứ vào kết quả của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trước đây theo lộ trình thực hiện.
Thực hiện việc tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong HLATĐB về các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATĐB, kế hoạch giải tỏa trong HLATĐB; rà soát lại diện tích đất trong phạm vi HLATĐB đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức, có phương án thu hồi diện tích đã cấp.
Riêng cấp huyện, thị xã, thành phố phải rà soát, phân loại và thống kê các công trình nằm trong HLATĐB; thành lập tổ công tác liên ngành thực hiện kế hoạch giải tỏa trên địa bàn, thông báo, tuyên truyền kế hoạch thực hiện giải tỏa đến cá nhân, đơn vị có công trình vi phạm HLATĐB. Công trình nào đã được bồi thường, giải tỏa nay tái lấn chiếm, chủ công trình phải tự tháo dỡ và không được bồi thường, hỗ trợ. Song song đó là tổ chức thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong HLATĐB; có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất HLATĐB...
Đối với đường sắt, UBND TX.Dĩ An phối hợp với các đơn vị trực tiếp quản lý đường sắt trên địa bàn, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm HLATĐS đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm HLATĐS và các đường ngang trái phép; tổ chức cảnh giới bảo đảm ATGT tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông...
Tỉnh cũng đề nghị cơ quan hữu quan của ngành đường sắt tiến hành cắm mốc và bàn giao hệ thống mốc giới hạn HLATĐS cho chính quyền địa phương để phối hợp quản lý, bảo vệ; đồng thời với việc xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào cách ly để đóng các lối đi dân sinh mở trái phép trên các tuyến đường sắt quốc gia; có lộ trình, kế hoạch xây dựng các đường ngang, hầm chui; nâng cấp, cải tạo các đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm các quy định về đường ngang do tồn tại trước đó.
Ngày 30-6-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1698/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB,ĐS. Tổ công tác do ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; ông Vương Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT làm tổ phó cùng thành viên là lãnh đạo các sở, ban ngành, một số doanh nghiệp của tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố. Tổ công tác có nhiệm vụ triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB,ĐS giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện ở địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh, Bộ GTVT theo quy định...
BÌNH MINH