Lập dự án khẩn để “chấn hưng” ca trù!

Thứ sáu, ngày 14/10/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Đây là thông tin đáng chú ý nhất trong Hội nghị về kiểm kê di sản ca trù giai đoạn 2009- 2010 (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 13/10/2011). Lần đầu tiên, một dự án lớn cấp quốc gia mang tên “Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê ca trù cho năm 2012” đã được xây dựng.

Dự án do Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) xây dựng với mức đầu tư đưa ra là 3,5 tỷ đồng và được đề nghị đưa vào chương trình Hành động quốc gia.

 

Nếu được thông qua, dự án trên sẽ triển khai trong năm 2012 và bao gồm nhiều hạng mục trên các lĩnh vực: Nghiên cứu, truyền dạy, kiểm kê và phát huy ca trù trong đời sống. Cụ thể, trong năm 2012, Viện Âm nhạc sẽ thực hiện 2 công trình nghiên cứu lớn về ca trù là Những điệu hát ca trù phổ thông và Tổng tập ca trù xưa và nay để trực tiếp sử dụng trong công tác nghiên cứu giảng dạy. Song song với quá trình nghiên cứu này, 4 lớp học ca trù cơ bản có thời lường 1 tháng sẽ được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và TP.HCM với mục đích nâng cao khả năng ca hát và biểu diễn của các nghệ nhân trẻ, đưa họ trở thành các giáo sinh sau này sẽ là lớp người truyền dạy ca trù trong cộng đồng. Đặc biệt, 2 cuộc Liên hoan ca trù cũng sẽ được tổ chức tại Hải Phòng (dành cho các địa phương khu vực phía Bắc) và Hà Tĩnh (cho các địa phương khu vực phía Nam).

Bên cạnh dự án trên, đại diện Viện Âm nhạc cũng đệ trình tới Bộ VH,TT&DL một bản đề án hành động trong khoảng thời gian từ 2012 tới 2020 để tiếp tục bảo tồn và chấn hưng nghệ thuật ca trù. Bản đề án này gồm 11 nội dung chính trên các lĩnh vực kiểm kê, sưu tầm, dịch thuật....về ca trù, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng đề nghị Bộ VH,TT&DL từng bước trùng tu, phục hồi một số di tích ca trù tại các địa phương như Nhà thờ tổ Cô đầu ở Cổ Đạm (Hà Tĩnh), cung điện của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ở Văn Trinh (Thanh Hóa), đền thờ đào nương Trần Thị Lan ở Thương Hòa (Thái Bình).

Theo nhận xét của một số Sở VH,TT&DL tại Hội nghị, tình hình hoạt động của các CLB ca trù địa phương tương đối khởi sắc kể từ khi loại hình này được UNESCO công nhận vào năm 2009. Tuy nhiên, đa phần các CLB này hoạt động khó khăn vì vấn đề kinh phí. Riêng tại Hà Nội, nơi có tới 16 CLB ca trù, một số ít nhóm ca trù lại có dấu hiệu kinh doanh biểu diễn bừa bãi và không tuân thủ đúng các niêm luật, yêu cầu đặc trưng của loại hình nghệ thuật này.

Theo TT&VH