Lao động tự do ngày càng quan tâm bảo hiểm xã hội tự nguyện
(BDO)
Người lao động làm thủ tục liên quan tại BHXH tỉnh
Với những người không đi làm tại cơ quan hành chính sự nghiệp, tại các công ty để có BHXH bắt buộc, họ rất muốn có một cuộc sống ổn định, có tiền cho chi phí sinh hoạt khi họ hết tuổi lao động và không muốn làm phiền đến con cháu của mình… Gần đây, BHXH tự nguyện còn lan tỏa đến những người khuyết tật, không may mắn. Họ có thể là người khiếm thị làm nghề chổi, tăm, massage tại các cơ sở của Hội Người mù tỉnh, huyện, thị, thành phố. Những người không may bị thương tật phải đi bán vé số kiếm sống qua ngày cũng quan tâm đến BHXH tự nguyện. Theo ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thì đây là một chính sách có sự hỗ trợ của Nhà nước để người dân yên tâm hơn khi bệnh tật, già yếu.
BHXH tự nguyện có lợi thế là người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập. Trên cơ sở cá nhân tự đóng hoàn toàn theo mức 22% trên nền thu nhập mà họ lựa chọn nên có tên gọi là BHXH tự nguyện để phân biệt với BHXH bắt buộc.
Số liệu từ BHXH tỉnh cho thấy có gần 6.000 trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, việc triển khai BHXH tự nguyện sẽ đồng bộ hơn và được các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, đại lý bán BHXH tự nguyện tại các điểm bưu điện vào cuộc quyết liệt hơn. Công tác tuyên truyền cũng được quan tâm để người dân hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. |
Theo Luật BHXH năm 2014, có 2 loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, loại hình BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia. Cụ thể đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong khối hành chính sự nghiệp, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác.
Loại hình BHXH tự nguyện cũng là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia là NLĐ khối phi chính thức, người tự tạo việc làm, kinh doanh tự do, người nội trợ, cán bộ không chuyên trách khu phố, ấp.
Về quyền lợi, BHXH tự nguyện do cá nhân tự đóng với tỷ lệ đóng là 22% trên mức thu nhập mình lựa chọn (thấp hơn so với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc hiện nay là 25,5%). Do chính sách BHXH nói chung dựa trên nguyên tắc đóng hưởng và tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện ít hơn, hiện nay BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ chính là hưu trí và tử tuất, thời gian tới thực hiện theo Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH sẽ có thay đổi phù hợp hơn. Tuy nhiên, khi người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng hưu trí ngoài lương hưu sẽ thêm quyền lợi cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Điều này rất cần thiết khi ốm đau bệnh tật xảy ra.
Ông Nguyễn Phi Hiền cũng chia sẻ rằng hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình lao động có nhiều biến động. NLĐ cũng nghỉ việc bởi nhiều lý do khác như tinh giản biên chế, doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự… mà chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc thì nên tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Đối tượng đã tham gia BHXH bắt buộc vì một lý do nào đó không còn tham gia lao động theo hợp đồng lao động nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được cộng cả hai quá trình BHXH bắt buộc và tự nguyện, nếu đủ từ 20 năm trở lên cộng với đủ tuổi lao động vẫn được hưởng chế độ hưu trí theo quy định.
Chính sách BHXH tự nguyện là con đường duy nhất dành cho những NLĐ khối phi chính thức, người tự tạo việc làm, kinh doanh tự do, người nội trợ, các tiểu thương, người giúp việc gia đình, cán bộ không chuyên trách khu phố, ấp, có thể tự mình đóng BHXH tự nguyện để đạt được mục tiêu có lương hưu khi về già.
Vì vậy những đối tượng này cần quan tâm trích một phần nhỏ thu nhập tham gia BHXH tự nguyện để khi về già được hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đây có lẽ là niềm vui lớn cho tuổi già và vui vẻ sống với con cháu. Ổn định về tài chính, tự lo cho cuộc sống xem ra là điều ai cũng mong muốn và BHXH tự nguyện sẽ giúp lao động tự do về vấn đề này.
QUỲNH NHƯ