Lao động, sáng tạo để thỏa niềm đam mê
(BDO) Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, sáng tạo” được phát động sâu rộng, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, vị trí công tác. Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp, cán bộ, công nhân (CN) lao động không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các đề tài, sáng kiến, áp dụng thành công trong lao động sản xuất và cuộc sống. Những tấm gương lao động sáng tạo ấy góp phần tô thắm nét đẹp của giai cấp CN.
* Nguyễn Quang Sang: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn
Để tìm hiểu về những lao động giỏi, sáng tạo, chúng tôi được Liên đoàn Lao động tỉnh giới thiệu người Quản đốc phân xưởng sản xuất Màng PVC/ PE của Công ty TNHH Nhựa Đạt Hòa (KCN Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát). Đó là anh Nguyễn Quang Sang (SN 1980) - người vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Anh Nguyễn Quang Sang được đồng nghiệp yêu mến bởi tinh thần cố gắng hết mình trong công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh còn là người ham học hỏi, cầu tiến nên đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp công ty cải thiện hiệu quả sản xuất. Hưởng ứng phát động của công ty, thi đua sản xuất giỏi và sáng tạo trong lao động để tiết kiệm chi phí, đồng hành cùng công ty vượt qua khó khăn, anh đã sáng kiến cải tiến nâng cao (kê) khung sườn máy lên 50cm và hệ thống giải nhiệt của máy thổi màng co PVC. Sáng kiến của anh đã làm lợi cho công ty khoảng 100 triệu đồng/tháng. Cũng trong năm 2011, anh tiếp tục đưa ra sáng kiến, cải tiến máy thổi màng co PVC từ phương pháp gia công bằng nước nóng chuyển sang gia công bằng nhiệt; sáng kiến lắp đặt thêm 2 lưỡi dao cắt cho máy hút màng PVC định hình đã làm lợi cho công ty gần 1 tỷ đồng/tháng; lắp đặt hệ thống phối khí cho máy cắt ép màng co PVC.
Không dừng lại tại đây, năm 2013, anh tiếp tục đưa ra sáng kiến lắp đặt thêm 6 con lăn giữ thăng bằng bong bóng định vị dao xẻ màng của máy thổi màng nông nghiệp PE. Hiệu quả đem lại, màng khi gia công không còn bị thiếu kích thước, gia công được nhiều quy cách sản phẩm khác nhau, tỷ lệ phế phẩm trung bình đến tháng 7-2014 là 4,20%.
Anh Sang còn được biết đến là người nhiệt tình trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Kể từ khi làm quản lý tại Phân xưởng sản xuất màng PVC/PE, anh đã tích cực tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng quản lý và kỹ thuật do công ty tổ chức. Qua đó, đã thực hiện việc đào tạo hướng dẫn lại cho các CN và ca trưởng tại phân xưởng. Vì vậy, đến nay Phân xưởng sản xuất màng PVC/PE đã có một đội ngũ CN tay nghề giỏi và tinh thần lao động có trách nhiệm cao luôn luôn tuân thủ các nội quy, quy định của công ty.
Anh Sang tâm sự: “Mỗi nhân viên, CN nếu như không có niềm đam mê sáng tạo rất khó có thể đưa ra những sáng kiến hiệu quả. Muốn giỏi, thể hiện được năng lực bản thân phải luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, đặc biệt phải có máu “liều” đưa ra ý tưởng để thực hiện”.
* Trần Văn Dũng: Gương mẫu, tận tụy với nghề
Nhiều lần đưa ra sáng kiến, thử nghiệm thất bại, anh Trần Văn Dũng (SN 1984) đôi lần nghĩ đến việc từ bỏ và an phận với vai trò CN tổ cơ điện. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn bằng niềm đam mê, nghị lực, anh Dũng đã “chinh phục” những ý tưởng khó, góp phần giúp công ty giảm bớt kinh phí trong sản xuất.
Theo nhận xét của Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Giấy Vĩnh Huy (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), anh Dũng không những tích cực tham gia hoạt động công đoàn mà còn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đưa ra những sáng kiến hữu ích. Những cố gắng của anh được ban giám đốc ghi nhận và giao nhiệm vụ làm Tổ phó Tổ cơ điện. Anh cũng đã nhận danh hiệu lao động tiên tiến 3 năm liền 2012, 2013, 2014; bằng khen của UBND tỉnh vào năm 2014 và vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen lao động giỏi, sáng tạo.
Quê Quảng Ngãi, năm 2007, sau khi học xong trung cấp kỹ thuật điện, anh Dũng vào Bình Dương làm CN. Trong quá trình công tác anh luôn bảo đảm tiến độ công việc, hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng công việc, thường xuyên có ý tưởng và tham mưu cho lãnh đạo trong công tác cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho công ty. Bằng nỗ lực của mình, anh đã đóng góp cho công ty các sáng kiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện môi trường làm việc cho CN trong các xưởng. Cụ thể để hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng điện, anh Dũng đã góp phần không nhỏ trong việc cải tiến kỹ thuật, đổi mới thiết bị ở nhiều khâu quan trọng. Đặc biệt, anh đã tính toán thay đổi các động cơ với công suất hợp lý, vừa đủ bảo đảm cho hoạt động sản xuất vừa tránh lãng phí điện năng. Sau khi lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mới từ ngày 1-1-2013, chi phí điện sử dụng hàng tháng của công ty đã giảm từ 10 - 15% (bình quân hàng tháng tiết kiệm từ 80 - 120 triệu đồng), góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, anh còn góp phần vào việc cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với các CN khác chế tạo 2 sàng áp lực, cải tạo các thùng bột, gắn thiết bị tự động điều chỉnh nồng độ bột, đầu tư hệ thống phun bột biến tính cho máy xeo. Cải tiến này chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2013. Kết quả, chi phí đầu tư thấp, nhưng giúp cho chất lượng giấy ngày càng ổn định độ bục, định lượng giấy đều được thịtrường chấp nhận và tăng uy tín của sản phẩm.
Với anh em CN trong xưởng, anh luôn vui vẻ, hòa đồng và có nhiều câu chuyện vui khuấy động tinh thần làm việc cho mọi người. Anh thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ, đặc biệt quan tâm và tận tình chỉ dẫn đối với những công nhân mới vào làm việc để từng bước cùng nhau tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong lao động, anh luôn thực hiện phương châm “năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” .
* Trần Thanh Toàn: Sáng tạo trong công việc
Chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước thải, bằng tình yêu, sự tận tụy và hết lòng với công việc, anh Trần Thanh Toàn (SN 1989), Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương đã nỗ lực sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành “bông hoa” đẹp trong vườn hoa “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tỉnh.
Anh Toàn cho biết, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Dương, sau khi tốt nghiệp Khoa Môi trường của Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, anh chọn Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương để gắn bó vì đúng chuyên ngành học. Đảm nhận kỹ thuật tại bộ phận vận hành hệ thống xử lý nước thải, anh không ngừng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, anh đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu đưa ra cách làm hay, hiệu quả cho công việc. Khoảng tháng 5-2014, anh đưa ra sáng kiến trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo chống ngập ngăn tiếp nhận nước thải tại nhà máy. Sáng kiến này góp phần bảo vệ máy móc thiết bị nằm ở vị trí thấp tại ngăn tiếp nhận nước thải của nhà máy; đồng thời giúp CN vận hành kịp thời ứng phó với tình huống nước thải tăng đột biến vào thời điểm nhất định.
Anh Toàn giải thích, sáng kiến này rất đơn giản, chỉ cần một chiếc phao và hệ thống còi báo động. Ban đầu, anh đặt chiếc phao phía trên máy vận hành, kiểm tra mức nước thải. Khi mức nước tăng cao đụng đến phao, phao rung kéo theo còi báo động phát sáng để CN biết được lượng nước thải ra trong ngày. Từ đó, giúp CN điều phối mức nước thải tại các khu vực để không vượt mức gây ứ đọng, ngập tràn. Hiện nay, anh đang lên kế hoạch thử nghiệm sáng kiến lắp thiết bị cảnh báo khi phát hiện các công ty, cơ sở thải nước thải ra hệ thống cống. Sáng kiến này sẽ giúp đo nồng độ nước thải, phát hiện việc sả thải của các công ty, xí nghiệp để làm cơ sở cho các đơn vị xử lý. Nỗ lực của Toàn đã giúp anh “chinh phục” được những phần thưởng của công ty; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.
T.LÝ