Làng nghề truyền thống: Mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm

Thứ sáu, ngày 24/05/2019

(BDO)  Trên địa bàn tỉnh, các làng nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, đan lát, làm heo đất… đã hình thành, phát triển từ lâu và trở thành những ngành nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, để duy trì, phát triển, các làng nghề đã và đang từng bước đổi mới, đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất…cho ra sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

 Một thời vang bóng

Trở lại thăm làng nghề điêu khắc gỗ ở phường An Thạnh (TX.Thuận An), phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) vào những ngày đầu mùa mưa, mọi người dễ dàng nghe tiếng đục, tiếng cưa… của những người thợ nơi đây.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Huỳnh Trung Thu (khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh), cho hay thập niên 1990 được coi là thời điểm hưng thịnh của nghề điêu khắc gỗ Bình Dương. Mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ của Bình Dương khá đa dạng và phong phú, được các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu các phong cách cổ như các tượng Phật, tượng Di Lặc… và làm theo một số mẫu do khách hàng đặt làm riêng. Các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là sản phẩm mỹ nghệ do du khách mua làm kỷ niệm, bày bán trong khách sạn, tụ điểm văn hóa - du lịch; một số sản phẩm được xuất khẩu.

Để duy trì làng nghề, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã, cách sản xuất. Trong ảnh: Một khâu sản xuất heo đất tại một cơ sở ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Nhắc đến sơn mài, nhiều người biết đến sơn mài Tương Bình Hiệp nức tiếng một thời, nhất là vào thời kỳ 1945-1975. Đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ, tạo tiếng tăm trong và ngoài nước.

Ông Lê Bá Linh (Tư Bốn), chủ cơ sở sản xuất sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, cho biết vào năm 2011, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động làm sơn mài, tạo ra giá trị xuất khẩu hàng năm gần 1 triệu USD. Năm đó, hàng sơn mài ở đây chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, có giá trị thương mại lớn, đạt đỉnh cao về số lượng, có trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật cao; sản phẩm đa dạng, phong phú.

Nâng chất sản phẩm để phát triển

Cùng với sự phát triển, nhu cầu thị hiếu của khách hàng thay đổi, những năm gần đây nhiều làng nghề trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, số lượng nghệ nhân, hộ gia đình theo nghề giảm dần. Thời gian gần đây nghề điêu khắc gỗ trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, số người gắn bó với nghề hiện không còn bao nhiêu, các sản phẩm chủ yếu là gia công, không sản xuất đại trà như trước đây.

Tại xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, làng nghề truyền thống mây tre đan ở thời điểm phát triển cực thịnh có hơn 50 hộ nhưng đến nay chỉ còn 15 hộ. Theo các gia đình ở đây, nguyên nhân nhiều hộ bỏ nghề chủ yếu do giá nguyên liệu tăng nhưng giá sản phẩm không tăng dẫn đến bị lỗ. Còn khi sản phẩm tăng giá thì không thể cạnh tranh được trên thị trường.

Để duy trì làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã các sản phẩm cũng như máy móc thiết bị và chú trọng thị trường trong nước, nhất là đối với các sản phẩm quà tặng. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, thiết bị mới trong sản xuất. Nghệ nhân chạm Lê Ái Huynh (Khu phố 3, phường Phú Thọ), cho hay hiện nay, hầu như các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ của các cơ sở làng nghề trong tỉnh chủ yếu làm theo hình thức công nghiệp. Do đó, để sống với nghề, những người làm nghề này cũng đã mạnh dạn đổi mới từ hình thức chạm đến sáng tạo các mẫu hoa văn… để tạo ra cái khác biệt, thu hút khách hàng.

Một chủ cơ sở sản xuất heo đất ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, cho biết để giữ được thị trường, cơ sở của bà phải sáng tạo ra nhiều mẫu mã. Điển hình, cơ sở đã làm ra mẫu heo đất vàng có dát kim tuyến, mẫu heo đất, heo quay…. Những sản phẩm này đang thu hút khá đông khách hàng, dù giá thành đắt hơn heo đất truyền thống.

Hiện Nhà nước có các chính sách ưu đãi hỗ trợ duy trì làng nghề truyền thống. Đây là một trong những giải pháp tạo điều kiện cho các làng nghề duy trì, phát triển trong điều kiện mới.

KHÁNH ĐĂNG