Lắng nghe “Tiếng nói từ lòng đất”...
(BDO) Một trong những hoạt động văn hóa nổi bật trong những ngày khắp nơi tổ chức chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019) là triển lãm chuyên đề Khảo cổ học “Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất”. Hoạt động do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức hôm nay (24-4), tại Bảo tàng tỉnh nhằm tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà...
Ý nghĩa việc triển lãm chuyên đề
Trước đây, việc triển lãm chuyên đề Khảo cổ học “Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” đã được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh, Khu di tích lịch sử Tam giác sắt nhân các ngày lễ lớn, Ngày Di sản văn hóa. Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng về việc làm của mình, cán bộ ở bảo tàng luôn cố gắng trong công tác bảo vệ, trưng bày và giới thiệu đến đông đảo người thưởng lãm. Việc trưng bày các hiện vật khảo cổ giúp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của cư dân xưa. Qua trưng bày, bức tranh về đời sống của “Người Bình Dương” ngàn năm trước được phác họa: “Người Bình Dương” cổ xưa đã có một trình độ nhất định về tư duy và kỹ thuật trong việc tạo dựng và tổ chức cuộc sống. Nhìn lại tiền nhân, mỗi một người Bình Dương hôm nay hãy nỗ lực hơn nữa để tạo cho mình một cuộc sống sung túc trong xã hội hiện đại, một xã hội cách người xưa gần 3.500 năm lịch sử. Đó là thông điệp của cuộc trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Bình Dương mong muốn được gửi đến mọi người.
Khách tham quan đang lắng nghe thuyết minh về chuyên đề Khảo cổ học “Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất”
Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, việc trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị di sản văn hóa theo Luật Di sản văn hóa. Hoạt động có mục đích giới thiệu đến khách tham quan một cách khái quát về văn hóa thời tiền - sơ sử trên mảnh đất Bình Dương cách ngày nay từ 3.500 - 1.800 năm. Qua đó, gợi mở việc tìm hiểu về nguồn gốc các cộng đồng dân cư cổ Bình Dương đối với thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ nhận thức được sự năng động, sáng tạo của người xưa qua những hiện vật từ lòng đất. Trưng bày hiện vật còn mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa là bảo vật quốc gia. Hình thức trưng bày theo tiến trình lịch sử, căn cứ vào niên đại các di tích lần lượt thể hiện nội dung trưng bày bắt đầu từ di tích Hàng Ông Đụng - Hàng Ông Đại, di tích Cù Lao Rùa, di tích Mỹ Lộc, di tích Dốc Chùa và sau cùng là di tích Phú Chánh với điểm nhấn là bảo vật quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng”.
Bình Dương có bảo vật quốc gia thứ 2
Hôm nay (24-4), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức trọng thể triển lãm chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” và công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia. Đây cũng là niềm vinh dự lớn cho tỉnh nhà và khảo cổ học Bình Dương. Hoạt động này còn là dịp ghi nhận kết quả tổng hợp của nhiều nhà khoa học sau hơn 30 năm nghiên cứu, với sự đầu tư từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. |
Nằm trong chương trình trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất”, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn việc công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hiện vật khảo cổ “Mộ chum gỗ nắp trống đồng” của tỉnh Bình Dương là bảo vật quốc gia. Dịp này, Ban tổ chức cũng tiến hành tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể đã có công trong việc phát hiện, lập hồ sơ khoa học bảo vật; động viên, khích lệ tinh thần nỗ lực hoàn chỉnh hồ sơ khoa học bảo đảm theo đúng quy định. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. “Mộ chum gỗ nắp trống đồng” của tỉnh Bình Dương đáp ứng được những tiêu chí này và vinh dự được công nhận bảo vật quốc gia. Đây cũng là niềm tự hào của người dân Bình Dương về vùng đất giàu truyền thống văn hóa, được lưu giữ qua bao đời.
Hoạt động ý nghĩa này còn vinh danh khảo cổ học. Đây là ngành khoa học nghiên cứu hoạt động của con người trong quá khứ. Những di vật cổ được lấy lên từ lòng đất đã cho chúng ta biết về đời sống của người xưa, từ thời tiền sử cho đến sơ sử. Khảo cổ học tiền - sơ sử ở Bình Dương hơn 30 năm nghiên cứu và hệ thống tư liệu đã cho thấy trên vùng đất này có ít nhất 4 giai đoạn phát triển gần như liên tục trong hàng ngàn năm. Tại đây, họ đã có đời sống vật chất ổn định mà vết tích đã được ghi nhận trong tầng văn hóa của các di tích khảo cổ, như: Di tích cù lao Rùa, di tích Hàng Ông Đụng, Hàng Ông Đại (có niên đại cách ngày nay từ 3.500 - 3.000 năm), di tích Dốc Chùa (có niên đại cách ngày nay từ 3.000 - 2.500 năm), di tích Mỹ Lộc, di tích Phú Chánh (có niên đại cách ngày nay từ 3.000 - 2.500 năm).
Thông qua những di vật khai quật tại các di tích khảo cổ đã bổ sung và làm rõ diễn trình lịch sử của các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Dương xưa, hiện hữu một xã hội ổn định và phát triển với các nghề, như: Trồng trọt, luyện kim - đúc đồng, se sợi - dệt vải, làm gốm và chế tác công cụ.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6 di tích khảo cổ được khai quật, hầu hết đều thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và Bắc Tân Uyên. Để có được thành quả như những gì chúng ta biết hôm nay là cả một quá trình làm việc, nghiên cứu nghiêm túc hơn 30 năm và hệ thống tư liệu. Tất cả cho thấy tầm quan trọng của khảo cổ học, của việc tìm ra, phục chế và lưu giữ hiện vật cho đời sau. Trao đổi với chúng tôi về quá trình tìm được bảo vật quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh”, những cán bộ công tác ở Bảo tàng tỉnh có người nay đã nghỉ hưu, có người chuyển công tác khác, nhưng khi nói đến kỷ niệm của những ngày đi điền dã, tham gia cùng đoàn khảo cổ để tìm được bảo vật quốc gia này đều rất tự hào khi họ đã góp công sức trong việc làm giàu thêm các di vật được khai quật. Việc khai quật cũng đã xác lập được cơ cấu kinh tế - xã hội ổn định và phát triển các nghề trồng trọt, luyện kim - đúc đồng, se sợi - dệt vải, làm gốm và chế tác công cụ đá ở vùng đất này.
“Hiện vật khảo cổ “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh vừa được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-12-2018 (đợt 7). Đây là bảo vật thứ 2 sau Tượng động vật Dốc Chùa được công nhận bảo vật quốc gia trong đợt 2 năm 2013. Mộ chum gỗ nắp trống đồng có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ I đầu Công nguyên, khai quật tại khu vực Bưng Sình, xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương vào năm 1998”.
(Bà Đỗ Thị Tiên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh)
QUỲNH NHƯ