Làng nghề nông thôn: Cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ hai, ngày 31/10/2011

Sản xuất gạch ngói thủ công tại nông thôn đang gây ô nhiễm môi trường nặng

 Thực trạng phát triển

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Bình Dương có 46 loại NNNT; 55 làng nghề truyền thống; 32 làng nghề đạt tiêu chí 30% số hộ hoạt động nghề; 9 làng nghề truyền thống (trong đó, có duy nhất làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận); 10 nghề mới phát triển bao gồm: cơ khí nhỏ, may mặc, bún, bánh canh, chả giò, hủ tiếu..., chế biến mủ cao su, chế biến rau quả, nấm; sửa chữa mô tô, xe máy... cho giá trị sản lượng đạt 4.802 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ 2006-2011, để đẩy mạnh hoạt động của các NNNT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.550 lao động ở các ngành nghề như: hàn khung sắt, sản xuất mây tre đan, điêu khắc chạm trổ... Tổ chức 76 lớp tập huấn về marketing, xúc tiến thương mại với 10.208 người tham gia. Đặc biệt, trong vòng 5 năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai hỗ trợ kinh phí được 14 đề tài nghiên cứu khoa học như: xây dựng mô hình trình diễn lò gạch liên tục kiểu đứng (VSBK) hiệu suất cao, giảm thiểu ÔNMT thay thế lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng lò gas nung gốm sứ cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu, tận dụng nhiệt khói thải của lò nung, giảm thiểu ÔNMT trên địa bàn tỉnh, trị nấm cao su, sản xuất meo nấm... với tổng nguồn vốn là 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế mà những ứng dụng này mang lại chưa cao do các cơ sở ngành nghề của tỉnh nhìn chung quy mô nhỏ, sản xuất mang tính tự phát...

Báo động tình trạng ô nhiễm

Tình trạng ÔNMT ở các NNNT diễn ra phổ biến tại các điểm tại KCN, khu đô thị hoặc các điểm đang sản xuất gạch ngói, gốm sứ đốt lò bằng phương pháp thủ công. Các làng nghề như gốm sứ, sơn mài, mộc, điêu khắc có số lượng cơ sở sản xuất tương đối lớn nên hiện trạng phát sinh chất thải và ÔNMT nhiều hơn những ngành nghề còn lại. Cùng với đó là sự đan xen giữa các cơ sở sản xuất gốm sứ, gạch ngói đốt lò thủ công trong khu dân cư  gây ÔNMT.

Tính riêng trong năm 2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.TDM đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường khoảng 20 cơ sở sản xuất sơn mài và điêu khắc, Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An kiểm tra khoảng 30 cơ sở sản xuất gốm sứ và heo đất thì cho thấy, có đến 80% số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường, còn xả chất thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Bên cạnh đó, do các cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh là những cơ sở nhỏ, thuộc ngành nghề có mức độ gây ô nhiễm không lớn và ít bị khiếu nại, tố cáo về môi trường nên công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường chưa thực sự được coi trọng. Chi phí cho việc khắc phục ô nhiễm làng nghề khá tốn kém, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh.

Đứng trước thực tế đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường làng nghề. Sớm xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động. Các làng nghề cần tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, cam kết để bảo vệ môi trường.

 Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cát cho biết: “Muốn bảo tồn và phát huy NNNT thì trước hết cần có chương trình vận động để bà con thấy được ý nghĩa từ hoạt động làng nghề truyền thống, phải thành lập được các tổ hợp tác để có tư cách pháp nhân, có ban chủ nhiệm, được đầu tư vốn, khoa học công nghệ, từ đó có cơ sở để ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ, bảo đảm được đầu ra không bị ép giá, hàng hóa không bị trả lại, đầu tư khoa học công nghệ để ngành nghề được phát triển bền vững”.

Thanh Lê