Lắng nghe để thấu hiểu lòng dân!
Chiều 1-4, trong cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ có ba vụ việc làm “nóng” công luận trong thời gian qua được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời, thông tin một cách thấu đáo. Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã thể hiện rất rõ quan điểm “lắng nghe dân” của các cấp, các ngành đối với các vấn đề quốc kế dân sinh có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.
(BDO)
Ba vụ việc mà người viết muốn đề cập bao gồm vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, vụ lấn sông Đồng Nai xây khu đô thị, cuối cùng là việc đề xuất tịch thu phương tiện của người điều khiển say xỉn. Gần như trong cùng một thời điểm, ba vụ việc nêu trên đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ công luận. Thông qua báo chí, rất nhiều ý kiến phản biện tích cực từ các tầng lớp nhân dân được gửi đến các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan với mong muốn tìm một giải pháp tối ưu nhất cho các vấn đề, vụ việc.
Trước những vấn đề “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, người phát ngôn của Chính phủ cho biết rất rõ ràng quan điểm xử lý từng vụ việc cụ thể. Với vụ “cây xanh Hà Nội”, lãnh đạo thủ đô đã chỉ đạo dừng, phân tích, đánh giá các mặt đúng sai trong quá trình triển khai thực hiện. Không dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND TP.Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Dừng lại sau khi hơn 500 cây xanh cổ thụ đã bị đốn hạ, hơi muộn, nhưng lòng người Hà Nội với bao kỷ niệm “đời người, đời cây” vẫn còn kịp cứu vãn!
Dự án lấn sông Đồng Nai xây khu đô thị cũng đã tạm hoãn thi công sau những phản ứng từ công luận. Rất mừng, đặc biệt là với hàng chục triệu dân sống trong vùng lưu vực của hệ thống sông này. Một dự án cụ thể, nằm trong một địa phương cụ thể, nhưng sự tác động đến môi trường chắc chắn không bó hẹp trong phạm vi một địa phương bởi lưu vực sông Đồng Nai liên quan đến rất nhiều tỉnh, thành lân cận. Bởi vậy, dừng lại để tiếp tục lắng nghe phản biện là sự cầu thị rất đáng biểu dương.
Vụ việc thứ ba ở phạm vi rộng hơn, liên quan đến toàn xã hội đó là đề xuất tịch thu phương tiện của người điều khiển say xỉn từ phía Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Với đề xuất này, Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải, hai bộ liên quan trực tiếp đã đề nghị chưa thực hiện để tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn. Đề xuất này không gì khác hơn là nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng người dân. Nhưng phương tiện giao thông cũng chính là tài sản, là kế sinh nhai của hàng triệu con người. Căm phẫn những ai say xỉn, điều khiển phương tiện gây tai nạn cho người đi đường, nhưng để hạn chế, răn đe vẫn còn rất nhiều phương cách khác.
Ba vục việc “dân biết, dân bàn” và đã được lắng nghe để tìm phương cách xử lý. Lòng dân thực sự yên tâm!
CẢNH HƯỞNG