Lắng nghe công nhân
(BDO) Bình Dương, vùng đất đã và đang thu hút ngày càng nhiều giai tầng xã hội trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống, góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà, trong đó có phần lớn công sức đóng góp của công nhân lao động (CNLĐ), những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng, quan tâm thực hiện các chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ như: Xây dựng nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa cùng với các chính sách hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán hay Tháng Công nhân... tỉnh đều phối hợp các cấp, ngành và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, thăm, tặng quà, tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê vui xuân, đón tết, các phiên chợ dành cho công nhân, chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ nhu cầu giải trí cho công nhân. Đồng thời, phát động các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “chung tay vì người nghèo”, “Tương thân, tương ái”… Qua đó, giúp cho hàng trăm ngàn CNLĐ có việc làm, có nơi ăn chốn ở, ổn định cuộc sống, ngày càng gắn bó và xem Bình Dương như là quê hương thứ 2 của mình.
Nhằm đồng hành và chia sẻ cùng CNLĐ, kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ lao động, sản xuất cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp với người lao động. Mới đây, HĐND tỉnh đã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc công nhân lao động và cán bộ công đoàn. Qua đó, lắng nghe CNLĐ và cán bộ công đoàn nói lên tâm tư nguyện vọng của mình cũng như các kiến nghị liên quan vấn đề nhà ở, thu nhập, bảo hiểm, an toàn vệ sinh thực phẩm, vốn vay, lãi suất, “tín dụng đen” và các vấn đề phát sinh khác... Đây cũng chính là một trong những hình thức tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, đại biểu dân cử với người lao động và cán bộ công đoàn.
Lắng nghe “tiếng lòng” của CNLĐ không chỉ đơn thuần là để chia sẻ, động viện hay trả lời các vấn đề bức xúc mà còn làm cầu nối để đưa tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của CNLĐ đến với nghị trường. Từ đó, sẽ có những quyết sách phù hợp với tình hình mới, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa với doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của đất nước cũng như kịp thời chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CNLĐ.
K.TÂN