Làng Chăm Hòa Lộc xuân đến sớm…
Nghèo đói rời xa
Con đường ĐT749B lầy lội, gập ghềnh ngày nào dẫn vào làng Chăm giờ đây đã được trải nhựa phẳng lỳ, tấp nập xe cộ vào ra. Bao nhiêu đó thôi cũng đã làm cho những người trong làng hết sức vui mừng, bộ mặt làng Chăm giờ đây đã sáng lên thấy rõ. Màu xanh của cây cao su đang “xâm lấn” dần những diện tích đất hoang hóa trước đây và lan xuống cả bờ hồ Dầu Tiếng. Những ngôi nhà xây kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều hơn, thay thế cho những căn nhà gỗ xập xệ trước đây. Năm nay có lẽ người Chăm sẽ ăn tết to nhất sau hơn 20 năm đến với vùng đất mới, bởi một lẽ giản đơn rằng, làng Chăm không còn hộ nghèo nữa. Đường vào làng Chăm đã được trải nhựa
Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả người Chăm tại đây vui vẻ đón tiếp chúng tôi và háo hức kể về sự đổi thay của người Chăm nơi này. Thấy chúng tôi bất ngờ về những thay đổi quá nhanh chóng của làng Chăm, ông Kho Sanh hồ hởi rằng “không biết làm sao nói hết niềm vui của những người Chăm tại đây trong năm nay”.
Niềm vui lớn nhất là làng Chăm với 97 hộ, 397 khẩu giờ đây chỉ còn 3 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh. Còn lại đều là hộ khá và “mấp mé” giàu. Những hộ cận nghèo này cũng đều có điều kiện, cơ hội để vươn lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đường sá giờ đây đã thông suốt, việc giao thương, đi lại đều rất thuận lợi. Trước đây đi lại khó khăn, cuộc sống của đồng bào Chăm gần như trong tình trạng “tự cung, tự cấp” nhưng đến nay đường sá đã thông suốt, đồng bào nuôi được con gà, đánh được con cá hay trồng được trái mít thì họ đã nghĩ đến chuyện đem bán kiếm tiền tiết kiệm làm ăn.
Năm nay cuộc sống của người Chăm Minh Hòa đã thực sự đổi thay rõ ràng. Ông Kho Sanh cho rằng có được như ngày hôm nay chính là được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương về nhà ở, cho vay vốn ưu đãi sản xuất. Nhưng bên cạnh đó, quan trọng hơn là sự cần mẫn lao động, nỗ lực vươn lên của chính những con người tại vùng đất này.
Cây cao su chính là “cứu cánh” của người Chăm tại Minh Hòa. Ngày đầu đến vùng đất này, người Chăm chỉ biết trồng mì, điều, đánh bắt cá trên lòng hồ, người khốn khó hơn thì đi làm thuê, làm mướn để chống đói. Chuyện khó khăn như vậy tưởng đâu xa vời nhưng thực sự mới chỉ được “triệt tiêu” cách đây vài ba năm. Khoảng năm 2008, người Chăm bắt đầu chuyển nhiều diện tích trồng điều, mì sang trồng loại cây cho “vàng trắng”.
Trước đó cũng đã có vài hộ trồng cao su nhưng diện tích không lớn. Đến nay, tại làng Chăm đã có trên 40 hộ trồng cao su và có trên một nửa số hộ này đã có cao su thu hoạch. Trước đây do tập trung trồng cây điều nên khi chuyển qua trồng cao su nhiều hộ dân chưa dám bỏ hết điều vì còn tính toán đến phương án lấy thu nhập từ cây điều trang trải cuộc sống đến khi cao su cho thu hoạch.
Cây cao su đã thực sự làm đổi đời nhiều hộ dân tại đây. Ông Châu Gia, một trong những hộ dân tiên phong trong trồng cao su, cho biết: “Gia đình tôi có 4 ha cao su đã cho khai thác. Mỗi ngày tôi có nguồn thu khoảng 1 triệu đồng từ vườn cao su của gia đình. Đây là số tiền mà trước đây là niềm mơ ước của nhiều người Chăm trong một tháng.
Có cao su cạo gia đình tôi và nhiều gia đình khác đã đỡ vất vả hơn. Chúng tôi không còn lo đói nghèo nữa mà đang cố gắng vươn lên làm giàu”. Nếu như trước đây mỗi hộ dân có một chiếc xe gắn máy để đi làm là “vốn quý” của gia đình thì giờ đây chuyện mua xe máy với các hộ dân là “chuyện bình thường ở làng Chăm”. Nhiều gia đình đã có 2 - 3 chiếc xe gắn máy. Không những thế nhiều hộ đã sắm các loại xe đời mới, có giá từ 30 - 40 triệu đồng/chiếc. Chuyện đi xe đạp, hay đi bộ hàng cây số để làm thuê, làm mướn giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ.
Tiếp tục vươn lên
Ngày đầu trồng cao su, các hộ dân tại làng Chăm trồng 2 loại giống chủ yếu là RRIV4, VM60. Nay họ đã chuyển qua trồng giống lai hoa trên những diện tích trồng mới vì các giống RRIV4, VM60 đã xuất hiện những nhược điểm. Nhờ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên vườn cao su của đồng bào Chăm đều phát triển khá ổn định.
Ông Kho Sanh cho biết, số hộ trồng điều còn rất ít và họ cũng đang dần chuyển qua trồng cao su. Chắc chỉ sau 2 - 3 năm loại cây cho “vàng trắng” sẽ phủ kín diện tích sản xuất của người Chăm. Tuy cây cao su đang được người Chăm trồng thành công nhưng theo ông Sanh, các hộ dân rất mong muốn được tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học để đồng bào “nuôi” cây cao su tốt hơn bởi nhiều hộ còn hạn chế về các kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác.
Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên trong làng chưa có việc làm ổn định do hạn chế nhiều về trình độ. “Chúng tôi cũng rất mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên trong làng”, ông Kho Sanh đề nghị. Ông Kho Sanh chia sẻ thêm rằng: “Dù đã hết đói, hết nghèo nhưng đồng bào Chăm chúng tôi không tự mãn, không bằng lòng với những gì đang có. Chúng tôi vẫn tiếp tục động viên nhau cần cần cù trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng để đưa cuộc sống đồng bào tiếp tục đi lên”.
Cuộc sống mới đã đến với làng Chăm. Với những chính sách hỗ trợ, sự quan tâm động viên của các cấp chính quyền trong thời gian tới, chắc chắn cuộc sống đồng bào Chăm sẽ tiếp tục đổi thay.
CAO SƠN