Làng Chăm chủ động phòng, chống dịch

Thứ hai, ngày 18/10/2021

(BDO) Mặc dù Bình Dương đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng đồng bào dân tộc Chăm ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng vẫn luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp “5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế mỗi khi ra đường. 

“5K” khi hành lễ

Ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng chỉ có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Chăm Islam sinh sống, họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề buôn bán, đánh bắt cá, tôm bên lòng hồ Dầu Tiếng. Những ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội, nhịp sống của đồng bào Chăm cũng bắt đầu sôi động trở lại. Lòng hồ Dầu Tiếng cũng tấp nập thuyền bè tung lưới ra khơi khi sóng nước lấp lánh bình minh. 


Đồng bào Chăm thực hiện quét mã QR tại tòa thánh đường hồi giáo mỗi khi đến hành lễ

Anh  Abdoa Zit, tổ trưởng tổ an ninh kiêm tổ trưởng tổ Covid - 19 cộng đồng ấp Hòa Lộc, chia sẻ: “Chúng tôi đi từng nhà hướng dẫn bà con cài đặt sổ Sức khỏe điện tử và cách quét mã QR. Hầu hết đồng bào nơi đây đều chấp hành nghiêm quét mã QR code. Ai không có điện thoại thông minh thì chúng tôi in tờ khai báo y tế ra giấy giúp đồng bào. Mỗi lần đi mua bán hàng hóa hay đi làm lễ ở thánh đường đều mang theo bên mình tờ khai y tế để thuận tiện cho việc truy vết”.

Vào những ngày cuối tuần, đàn ông, thanh niên trai làng chỉnh tề trang phục đến thánh đường để hành lễ theo phong tục truyền thống. Giáo cả Sa Lim cho biết, mỗi ngày, đàn ông đồng bào Chăm đều phải lên thánh đường hành lễ rồi mới đi làm, còn phụ nữ thì được hành lễ tại nhà. Trong suốt mùa dịch bệnh Covid - 19 vừa qua, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi nghi thức hành lễ tại thánh đường cũng đều tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Còn nay, mọi hoạt động đã được trở lại bình thường, thánh đường cũng đã bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên, không thể lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh. Mọi người đều tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đến hành lễ. “Khu tòa nhà thánh đường hồi giáo Al Mutt A quin  này đã được kết nối wifi và dán mã QR code để phục vụ đồng bào khai báo y tế mỗi khi lên thánh đường”, Giáo cả Sa Lim nói. 

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả các quán ăn, quầy tạp hóa hay quán cà phê ở ấp Hòa Lộc đều nghiêm chỉnh thực hiện dán mã QR code trước cửa phục vụ người dân. Ông Salayman (75 tuổi), chủ quầy tạp hóa ở cổng làng, nói: “Chúng tôi già cả không rành về công nghệ. Nhờ được cán bộ huyện, xã về tận nơi đăng ký và dán mã QR giùm, đồng thời giải thích, tuyên truyền về mục đích của việc thực hiện  quét mã QR để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, nay chúng tôi đã hiểu. Hằng ngày, bà con trong làng đạp xe ra mua mắm, muối… chúng tôi đều nhắc nhở bà con quét mã QR trước khi mua”.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trong suốt mùa dịch bệnh Covid - 19, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa luôn được giữ chặt “vùng xanh” ngay từ đầu. Thành quả đó là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đồng bào Chăm thông qua nhiều hình thức. Ngoài việc nghe thông báo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trên truyền thanh của xã, Tổ Covid cộng đồng ấp cũng chia nhau đến từng nhà nhắc nhở. Anh Mohamac, làm nghề buôn bán quần áo rong ở chợ, chia sẻ: “Khi Bình Dương bùng phát dịch bệnh Covid - 19, cán bộ xã, ấp đến nhà phát tờ thông báo tình hình dịch bệnh và nhắc nhở chấp hành nghiêm chỉnh việc “ai ở đâu yên chỗ đó” để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mấy tháng qua, chúng tôi không đi buôn bán. Thi thoảng đi chợ mua đồ ăn tích trữ nên không ít khi ra khỏi nhà. Nay đã trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi đã được ra đường đi làm, tuy nhiên cũng phải đeo khẩu trang đầy đủ”.

Để đồng bào ở vùng xa có được những nhận thức, hiểu biết sâu sắc về sự nguy hiểm và phòng chống dịch bệnh Covid-19, chính quyền xã, giáo cả và các thành viên tổ Covid cộng đồng ấp Hòa Lộc đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Chị Ro ty keh, chủ quán tạp hóa ở ấp Hòa Lộc cho biết: “Nhà tôi được bán hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của bà con trong suốt mùa dịch vừa qua. Hằng ngày tôi đều đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn với khách đến mua hàng. Dịch bệnh nay cũng đã được kiểm soát, nhưng cứ phải thực hiện đầy đủ “5K” cho đảm bảo an toàn”.

Còn đối với Giáo cả Sa Lim, dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông vẫn còn nhiệt huyết với mọi công việc “bao đồng”.  Nghe ngóng thông tin về tình hình dịch bệnh ở địa phương, ông luôn luôn sát cánh, chỉ đạo tổ an ninh ấp thường xuyên phối hợp với đồng bào, kiểm soát chặt ở các khu vực lối đi tắt bên bờ hồ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. “Điều quan trọng nhất là nhờ phần lớn đồng bào mình ai cũng biết đọc, biết viết tiếng Việt và tiếng Chăm nên công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; tuyên truyền pháp luật; tuyên truyền phòng, chống cháy rừng… rất thuận lợi”, Giáo cả Sa Lim chia sẻ thêm.

Thu Hường