Lan tỏa quy định xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trong trường học

Thứ hai, ngày 25/11/2024

(BDO) Thời gian qua, việc thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025” đã tạo nhiều chuyển biến và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các thầy cô giáo, các em học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng về xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trong trường học.

Nhiều công trình, phần việc

Thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai “Ngày thứ bảy văn minh”, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh (VH-VM) trong trường học, Trường THCS Đông Chiêu (TP.Dĩ An) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Cô Đậu Thị Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Chiêu, cho biết hưởng ứng Đề án 02, tập thể cán bộ, thầy cô giáo và các em học sinh (HS) nhà trường đã thực hiện nhiều công trình, phần việc. Cụ thể, ngoài xây dựng “Không gian văn hóa Bác Hồ”, cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên và HS thường xuyên ra quân nhổ cỏ, trồng hoa... thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh”; vẽ tranh tường lớp học góp phần làm sạch đẹp trường lớp và gửi thông điệp về giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT), tự hào về danh lam thắng cảnh vùng miền, làng nghề truyền thống của quê hương đất nước.

Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai phong trào “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, tặng chai nhựa, giấy vụn tái chế để làm 5 nhà chờ che nắng, che mưa khi cha mẹ đưa đón trước cổng trường; làm xích đu, xà đơn cho HS vui chơi giải trí; giáo dục HS tham gia giao thông an toàn. Đồng thời, trường cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, từ đó trồng được nhiều cây xanh tạo bóng mát, cây cảnh làm đẹp ngôi trường, trang bị thêm các ghế đá, thiết bị học tập cho HS…

Đông đảo thầy cô giáo, nhân viên Trường THCS Đông Chiêu (TP.Dĩ An) tham gia thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh”

Có thể thấy, các hoạt động tham gia xây dựng nếp sống VH-VM ở trường học như trồng cây xanh, BVMT, tổng vệ sinh môi trường đã trở thành việc làm thường xuyên. Nhiều trường học đã xây dựng những mảng xanh, vừa tạo được bóng mát, vừa có tính thẩm mỹ trong khuôn viên trường học; có trường còn lan tỏa được nhiều thông điệp ý nghĩa thông qua những bức tranh bích họa…

Từ sức lan tỏa của Đề án 02, những GV mỹ thuật của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Bến Cát đã cùng nhau thực hiện vẽ 21 bức tranh bích họa tại tuyến đường D3, khu phố 2, phường Mỹ Phước (tường rào Trường Mầm non Hướng Dương). Những bức tranh này mang nhiều thông điệp ý nghĩa như tuyên truyền về BVMT, an toàn giao thông; phòng chống ma túy, phòng chống đuối nước; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, mỹ quan đô thị…

“Tiếng trống sạch trường”

Tại Trường THCS Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên), đông đảo GV, HS của trường cũng hưởng ứng xây dựng nếp sống VH-VM với nhiều phần việc thực chất. Qua nhiều đợt ra quân thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh”, Ban Giám hiệu nhà trường cùng đông đảo đoàn viên, GV và HS đã ra quân tháo gỡ quảng cáo trái quy định; thực hiện dọn vệ sinh ở khu vực bên ngoài và trong khuôn viên trường; đồng thời thực hiện trồng và chăm sóc cây xanh ở dọc hàng rào bên cạnh nhà xe GV và các bồn hoa bên trong trường…

Đặc biệt, ở Trường THCS Tân Phước Khánh nhà trường đã thực hiện mô hình chuyển đổi số trong công tác trồng cây đối với đội ngũ viên chức, người lao động tại đơn vị. Cụ thể, 100% cán bộ, GV, nhân viên thực hiện trồng mới, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng (2 cây/người) trong khuôn viên, khu vực thuộc quyền quản lý của cơ sở giáo dục hoặc tại nơi cư trú; đồng thời báo cáo hoạt động trồng, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây về cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố qua mã QR code theo định kỳ 2 lần/tuần (thứ ba và thứ bảy hàng tuần).

Ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Thuận An), nhiều thầy cô giáo cũng đã nỗ lực trong công tác xây dựng nếp sống VH-VM tại trường học. Thầy Bùi Xuân Trường, GV Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: “Thời gian qua, việc thực hiện nếp sống VH-VM tại trường đã được triển khai và đạt nhiều kết quả. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình “Tiếng trống sạch trường”. Khi tiếng trống trường vang lên, tất cả HS ra sân nhặt rác thay cho hoạt động thể dục giữa giờ hay múa hát sân trường thường ngày. Các em bắt tay vào vệ sinh trường lớp. Mỗi em một việc, mỗi lớp một nhiệm vụ, ai ai cũng khẩn trương, tích cực. Những chiếc lá cây rụng quanh sân, những mẩu giấy, vỏ kẹo... được các em cẩn thận thu gom vào đúng nơi quy định”.

Thầy Trường cho biết thêm, thời gian qua, trường cũng đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình, như: “Đổi rác lấy quà”, giải pháp “Lớp học xanh” với nhiều mảng xanh trong lớp, “Góc em yêu thiên nhiên”, “Mỗi tuần 1 cây xanh quyên góp”; tham gia hiệu quả các chương trình, hoạt động BVMT, như: “Thứ sáu vì môi trường”, “Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thư viện xanh”…, góp phần xây dựng trường, lớp học hạnh phúc...

Xây dựng nếp sống VH-VM trong trường học là thực hiện một quá trình giáo dục. Xây dựng nếp sống VH-VM trong nhà trường là việc làm thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi cả thầy và trò phải tích cực học tập, rèn luyện bản thân thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền về xây dựng nếp sống VH-VM phải thực sự trở thành hành động, việc làm cụ thể hàng ngày của thầy cô giáo và các em HS. Tin tưởng rằng, từ việc nhận thức đúng đắn, không chỉ riêng thầy cô giáo mà các em HS cũng sẽ tự giác chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống VH-VM từ những việc làm nhỏ nhất…

HUỲNH THỦY - THÔNG THÁI