Lan tỏa phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”
(BDO) Những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh đã tích cực thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Theo đó, nhiều công trình sản phẩm, sáng kiến kinh nghiệm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm nó dồi dào và lan rộng mãi”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước trong CNVCLĐ Bình Dương tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, hướng đến người lao động (NLĐ). Trong đó, trọng tâm là PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển... PTTĐ này đã được các cấp công đoàn cụ thể hóa thành những nội dung thi đua phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực, thu hút hàng ngàn CNVCLĐ tham gia.
Thời gian qua, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được cấp công đoàn cụ thể hóa thành những nội dung thi đua phù hợp, thu hút hàng ngàn NLĐ tham gia. Trong ảnh: Ông Lê Nho Lượng, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bình Dương trao giấy khen cho NLĐ “Lao động giỏi, sáng tạo” năm 2017. Ảnh: T.THẢO
Trong các doanh nghiệp, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung thiết thực. Công đoàn cơ sở đã động viên đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ đẩy mạnh cải tiến máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thực hành tiết kiệm, giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Cụ thể, tại các doanh nghiệp đã đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”. Nhiều đơn vị đã cụ thể hóa thành những khẩu hiệu để NLĐ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Bảo đảm an toàn trong sản xuất”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Hưởng ứng PTTĐ, NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp đã say mê nghiên cứu, tìm ra các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ công nhân lao động. Điển hình như chị Huỳnh Kim Phượng (Công ty Tsuchiya TSCO Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore), trong 16 năm gắn bó với công ty, chị đã có nhiều sáng kiến đánh giá cao. Điển hình như sáng kiến thay đổi phương pháp kiểm tra nguyên liệu foam (tấm đệm) đầu vào cho sản phẩm tấm đệm sử dụng trong máy in, với mục đích giảm thời gian kiểm tra nguyên liệu đầu vào để tăng năng suất lao động. Áp dụng phương pháp này, chất lượng sản phẩm vẫn được duy trì, nhưng số lượng nguyên liệu nhận trong tháng tăng cao. Theo tính toán, với cải tiến này đã làm lợi cho công ty hơn 82 triệu đồng/năm.
Còn anh Hồ Anh Duy, giám sát thiết kế khuôn dưỡng - máy tự động, (bộ phận chuẩn bị sản xuất, nhà máy kim loại, Công ty TNHH Scancom Việt Nam, KCN Sóng Thần) cũng có rất nhiều sáng kiến, cải tiến được áp dụng trong sản xuất tại doanh nghiệp. Anh Duy đã gắn bó với công ty được gần 7 năm với nhiệm vụ quản lý nhóm thiết kế khuôn - máy, bảo đảm thiết kế đúng tiến độ để phục vụ tốt khâu sản xuất. Anh phải bảo đảm chất lượng cho mỗi sản phẩm thiết kế khuôn - máy của nhóm thiết kế được chính xác, tiết kiệm vật tư, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho sản phẩm, làm giảm bước nguyên công, vật tư, sức người, năng lượng… để giảm giá thành sản phẩm. Với phương châm: “Muốn thành công phải không ngừng sáng tạo”, anh Duy luôn trau dồi thêm kiến thức từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng nghiệp, sách báo để nâng cao kiến thức chuyên môn và tiếp cận các công nghệ mới. Từ những kiến thức tiếp nhận được, anh luôn đưa ra các ý tưởng cải tiến mới giúp giảm chi phí đầu tư máy móc, tiết kiệm năng lượng, phát triển các máy móc, công cụ hỗ trợ, giúp công nhân làm việc an toàn và nâng cao năng suất…
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đánh giá, các PTTĐ yêu nước trong CNVCLĐ thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác của từng cơ quan, đơn vị và hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các PTTĐ yêu nước để góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tổ chức các PTTĐ yêu nước trong CNVCLĐ đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc điểm công việc từng ngành, lĩnh vực; xây dựng nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua sát với chức năng, nhiệm vụ sản xuất của từng đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, khơi dậy lòng nhiệt tình, tính năng động, sáng tạo của đội ngũCNVCLĐ để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp, cho cộng đồng.
THU THẢO