Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ năm, ngày 06/01/2022

(BDO) Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng (phong trào) trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả. Năm 2021 bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh nhưng phong trào đã động viên kịp thời người nông dân hăng hái thi đua. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, khẳng định vị thế của kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 Mô hình nuôi gà trại lạnh của ông Đinh Ngọc Khương (huyện Phú Giáo) mang lại hiệu quả kinh tế cao

 Hiệu quả mang lại

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi, thử nghiệm và nhân rộng các loại cây con mới như nuôi dế, nhím, heo rừng lai, trồng nấm, sinh vật cảnh… Cũng từ phong trào đã tạo động lực thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất. Ngoài ra, phong trào đã góp phần đẩy mạnh việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 643 trang trại, với tổng diện tích đất sản xuất trên 3.450 ha, hơn 2.400 lao động thường xuyên, có nhiều trang trại đạt doanh thu bình quân hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong giai đoạn 2019-2021, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp đạt 38.680 lượt hộ, chiếm 87% so với tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng, góp phần giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương. So với giai đoạn 2017-2019, số hộ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết để đạt được kết quả trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Những tấm gương tiêu biểu nông dân SXKD giỏi ở các cấp hội đã và đang đi đầu, làm nòng cốt cho phong trào, đó chính là nhân tố quyết định thắng lợi để phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương và xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã chủ động hỗ trợ và phối hợp giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, đã giúp cho hơn 23.000 hộ nông dân với số tiền trên 1.100 tỷ đồng.

Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương SXKD giỏi, như: Mô hình nuôi gà trại lạnh của ông Đinh Ngọc Khương (huyện Phú Giáo), ông Nguyễn Hồng Quyết với mô hình trồng dưa lưới (huyện Phú Giáo), bà Nguyễn Thanh Thủy (huyện Bàu Bàng) trồng bưởi da xanh, ông Lê Minh Sang (huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, đã liên kết với doanh nghiệp logistics xuất khẩu bưởi ra thị trường nước ngoài…

Mô hình nuôi chim yến của bà Tăng Thị Hằng ở xã An Long, huyện Phú Giáo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đến nay, bà đã phát triển thêm 2 nhà nuôi chim yến, nâng tổng số nhà nuôi chim yến của gia đình lên 6 căn. Ngoài ra, hộ gia đình này còn mở rộng mô hình nuôi thỏ thả vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chăm sóc vườn sầu riêng. Bà Hằng cho biết, với tổng diện tích đất hơn 10 ha, trong đó có 7 ha cao su đang khai thác, 2 ha đang trồng mới, còn lại hơn 1 ha trồng các loại cây trồng khác, kết hợp nuôi thỏ thả vườn, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Là người tiên phong và mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc trồng trọt, chăn nuôi đã giúp cho kinh tế gia đình ổn định, đời sống nâng cao. Có được kinh nghiệm quý giá, nguồn vốn tích lũy gia đình bà Hằng còn sẵn sàng giúp đỡ cho các hộ dân, hội viên nông dân để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Các mô hình này đang ngày càng phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm cung ứng ra thị trường nguồn nông sản, thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Họ là những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp sức vào quá trình xây dựng KT-XH địa phương ngày càng phát triển. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD.

Phong trào nông dân SXKD, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trong tỉnh. Đồng thời, phong trào đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH; xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong các khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Trong 3 năm qua, cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng cả tỉnh giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện nay. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và nghị quyết của Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023 với những chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tuyên truyền nhân rộng những gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, tham mưu tạo nhiều nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân vay phát triển sản xuất, phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ liên kết, tổ hợp tác và hợp tác xã.

 THOẠI PHƯƠNG