Lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại thành phố Cảng
(BDO) Tối 14/5, tại sân khấu Nhà Kèn trong vườn hoa Nguyễn Du (thành phố Hải Phòng), chương trình Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh được trình diễn sôi động với sự tham dự của hàng nghìn du khách và người dân thành phố Cảng.
Trình diễn hát Ca trù.
Chương trình do Trung tâm văn hóa thành phố Hải Phòng thực hiện và là một trong những hoạt động chào mừng 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2023) được đông đảo người dân và du khách mong đợi.
Chương trình trình diễn 2 loại hình nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể là hát Ca trù và thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ.
Đây cũng là 2 loại hình nghệ thuật độc đáo có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng triết lý sống của người Việt.
Theo Giám đốc Trung tâm văn hóa Hải Phòng Đỗ Thị Khánh Hương, 2 loại hình nghệ thuật độc đáo trên đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.
Và chương trình trình diễn các di sản văn hóa này không chỉ tôn vinh, giữ gìn, mà còn là hoạt động bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và lan tỏa mạnh mẽ những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này tới rộng rãi cộng đồng nhân dân và du khách trong và ngoài nước.
Hàng nghìn du khách và người dân thành phố đã tới chật kín khu vực biểu diễn và luôn cổ vũ, ngợi khen sự quyến rũ, thanh tao của nghệ thuật Ca trù qua phần trình diễn của ca nương Nguyễn Thị Thắm với “Hoa Phong lan”, ca nương Hồng Ngọc với “Đào Hồng, Đào Tuyết”…
Đặc biệt, các tiết mục Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã khiến cả khu vực vườn hoa Nguyễn Du thêm sôi động, rộn rã với những đợt vỗ tay không ngớt qua phần trình diễn của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn với “Chúa Bà cà-phê”; Đồng Thầy, Thanh đồng Trần Thanh Tùng với “Quan lớn đệ Tam”; Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Đoan Trang với “Chầu Bé Bắc Lệ”; Đồng Thầy, Thanh đồng Phạm Thị Bằng Ly với “Ông Hoàng Bảy”…
Ca trù từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật Ca trù đã bộc lộ sự quyến rũ, thanh tao, thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt.
Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng tặng hoa các nghệ nhân tham gia trình diễn.
Hát Ca trù vừa trầm bổng, thiết tha, vừa thánh thót, ngân nga, hòa cùng tiếng trống, tiếng phách lúc khoan lúc nhặt, luôn mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc. Năm 2009, UNESCO đã công nhận Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện, nghệ thuật Ca trù truyền thống vẫn được lưu giữ và hồi sinh mạnh mẽ tại thành phố Hải Phòng và thu hút sự quan tâm, đặc biệt cả giới trẻ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là tín ngưỡng có ý nghĩa lịch sử văn hóa của Việt Nam. Đây là một một loại hình nghệ thuật truyền thống, được kết hợp từ nhiều yếu tố như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục nhằm tái hiện lại hình tượng của các vị thánh hạ trần, nhưng cũng gần gũi cuộc sống của con người…
Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo TTXVN