Làn sóng mới thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang trở thành giải pháp đột phá giúp nông nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất và kết nối thị trường. Tại Bình Dương, nhiều nông dân đã áp dụng mô hình CĐS trong sản xuất, mang lại kết quả tích cực trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận chuyên đề: “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn “những nút thắt và kiến nghị” tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Trúc Mai (huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ: “CĐS giúp chúng tôi quản lý cây trồng và chất lượng sản phẩm bưởi hiệu quả hơn. Các công nghệ số giúp theo dõi sự phát triển của cây trồng, từ đó giúp chúng tôi điều chỉnh dinh dưỡng và thuốc trừ sâu kịp thời. Ngoài ra, CĐS cũng giúp sản phẩm của chúng tôi tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo…”.
CĐS không chỉ giúp quản lý sản xuất mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Trong các hội thảo gần đây, nhiều nông dân mong muốn có thêm kênh tương tác, đặc biệt là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá rộng rãi và thúc đẩy tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Technologies trình bày tham luận chuyên đề: “Sự cần thiết của chuyển đổi kép trong nông nghiệp” tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Bình Dương là một "điểm sáng" trong việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần được đào tạo bài bản để phát huy tối đa tiềm năng. "Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp sẽ giải quyết nhiều bài toán khó khăn và giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo xuất khẩu hiệu quả," ông Toản nói.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ số trong sản xuất của hợp tác xã. Hợp tác xã của ông đã ứng dụng hệ thống tưới thông minh của Israel và mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp nâng cao tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng thành công của CĐS phụ thuộc vào sự quyết tâm của các thành viên trong hợp tác xã và việc đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ.
Để nông sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng logistics. Việc cải thiện hệ thống kho bãi, trung chuyển và các sàn thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
CĐS trong nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu. Với những giải pháp cụ thể và quyết tâm từ các cấp, ngành, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Mặc dù nông nghiệp công nghệ cao đã có sự phát triển đáng kể tại Bình Dương, nhưng việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đủ mạnh. Bình Dương cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao để phục vụ cho nhu cầu phát triển của ngành. |
MINH HIẾU