Lan rừng khoe sắc ngày xuân

Thứ tư, ngày 11/02/2015

(BDO) Hoa lan từng được xem là khó có khả năng phát triển ở những địa phương có thời tiết nóng như Bình Dương. Nhưng giờ đây, hoa lan lại là minh chứng sinh động cho sự thành công của chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương.

Nếu như muốn chọn một loại cây trồng mang lại hiệu quả rõ nét từ việc ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất thì phải kể đến hoa lan. Từ khi có Chương trình số 26-CTr/TU ngày 20-9- 2011 của Tỉnh ủy Bình Dương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình 26 của Tỉnh ủy), hoa lan được lựa chọn trở thành mô hình nhân rộng đầu tiên.

Xuân về trên “làng” hoa lan Định Hòa

Những năm trước, ông Huỳnh Văn Sánh ở khu phố 6, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một bắt đầu tìm tòi, trồng những phôi lan Mokara đầu tiên. Kể từ đó, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lan phát triển tốt, cho ra hoa đẹp và bắt đầu gây chú ý cho thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, vườn lan của ông Sánh là một trong những vườn lớn nhất ở Định Hòa với hơn 6.000 gốc lan Mokara. Từ mô hình khá thành công của ông Sánh, đến nay đã có thêm hơn 10 hộ khác đầu tư trồng lan Mokara. Riêng hộ anh Hoàng Văn Minh ở khu phố 2 đầu tư trồng 20.000 cây lan Hồ Điệp, mỗi năm giá trị sinh lợi hàng tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Sánh bên vườn lan đang khoe sắc của gia đình. Ảnh: K.VINH

Tại phường Định Hòa, hoa lan trở thành loại cây trồng chủ đạo mang lại thu nhập cao cho người dân. Bước ngoặt góp phần hình thành “làng” hoa Định Hòa hôm nay chính là việc phường này được chuyển đổi từ xã thuần nông lên chuẩn đô thị loại IV vào năm 2005 và buộc phải thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 506,86 ha xuống còn 36,6 ha cho việc phát triển Thành phố mới Bình Dương, các dự án giao thông đi qua phường. Ngay từ khi nhận thấy đất nông nghiệp giảm mạnh, phường đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hàng chục đợt tập huấn về kỹ thuật trồng cây hoa lan cho người trồng lan ở địa phương. Đến nay, “làng” hoa lan Định Hòa đã có diện tích hơn 10.000m2 với hơn 39.500 gốc lan Mokara, 20.000 chậu lan Hồ Điệp. Lan Mokara trồng 3 năm mới thay gốc, cho hoa ổn định 4 mùa. Trong khi đó, hàng ngày nhà lồng kính với trang bị máy điều hòa nhiệt độ và chế độ thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ giúp cho lan Hồ Điệp khoe sắc theo ý muốn con người. Nhờ thế, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm ở Định Hòa, nhiều gia đình trồng lan có thu nhập khá cao.

Mô hình kinh tế hiệu quả

Đến các vườn lan trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đều dễ nhận ra hoa lan mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Ông Huỳnh Văn Sánh cho biết, đến nay với hơn 5.000 gốc lan cho thu hoạch (cắt cành hoặc bán nguyên gốc), bình quân mỗi tháng vườn lan nhà ông cho thu nhập 10 triệu đồng. Còn đến trang trại hoa lan Hoàng Liên của ông Mai Quốc Thái (Dầu Tiếng) trong một ngày cuối năm, nhiều thương lái tìm đến hỏi mua hoa lan tại trang trại để cung ứng cho thị trường hoa tết. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, hơn 100.000 chậu lan Mokara ở trang trại sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra hoa đều đặn.

Cách đây 6 năm, ông Thái tự mày mò, sang tận Thái Lan để tìm hiểu mô hình trồng lan Mokara. Sau đó, ông mạnh dạn mang giống về, chấp nhận cắt bỏ diện tích cao su để bắt đầu phát triển hoa lan. Hiện nay, hoa lan của ông đã được thị trường ưa chuộng và đang được các thương lái tìm mua phục vụ tết. Ông Thái cho biết, vươn lên thoát nghèo hay trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi, trồng trọt đã có nhiều người trong tỉnh làm được. Chỉ có điều, trở thành tỷ phú hoa lan vẫn là điều khá thú vị, bởi nhiều người đều biết, những năm trước hoa lan chỉ được xem là thú chơi hoa và không mấy ai tin tưởng có thể làm giàu từ loài hoa này.

Hiện nay, phong trào trồng hoa lan ở Bình Dương đã phát triển rộng khắp với diện tích lên đến 244,7 ha hoa lan các loại với quy mô gia đình lẫn trang trại. Rõ ràng, trồng lan giờ không chỉ là thú vui mà còn là mô hình kinh tế giúp người trồng lan vươn lên làm giàu.

KHÁNH VINH