Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân bị suy gan tối cấp
(BDO) Ngày 7-5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, lần đầu tiên đã thực hiện thành công ca ghép gan đối với bệnh nhân suy gan tối cấp, suy thận, đang điều trị hồi sức.
Bệnh nhân là chị T.T.H., 46 tuổi, bị bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch, đã được phẫu thuật nụ cười nhiều lần. Hạnh phúc đến muộn với chị nhưng không may chị lại hiếm muộn, trên con đường tìm con bằng phương pháp IVF, đã đặt phôi 3 lần nhưng đều thất bại.
Ngày 14/4, chị được chuyển phôi lần thứ 4, phải dùng nhiều thuốc hỗ trợ phôi, giảm co bóp tử cung.
Tuy nhiên, sau đó chị thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, một ngày sau xuất hiện nói nhảm, kích động. Chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì phát hiện men gan tăng cao, không có thai trong buồng tử cung nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Tình trạng của bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Chỉ trong vòng 6 tiếng, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, lơ mơ, vàng da, loạn thần, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên rất nặng, được đặt máy thở. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp, hội chứng não gan độ II trên nền tiền sử viêm gan B chưa rõ.
Chị được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai đến Bệnh viện Việt Đức chẩn đoán suy gan cấp – hôn mê gan trên tiền sử viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ từ người cho chết não.
Tưởng như không còn hy vọng nhưng phép màu đã đến với chị, đã có lá gan phù hợp với chị từ người cho chết não. Người hiến gan là bệnh nhân nam, 48 tuổi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau khi test Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã họp và quyết định đây là trường hợp đã chết não.
Dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Bệnh viện, buổi hội chẩn chuyên sâu các chuyên khoa đã diễn ra, mặc dù biết xác suất thành công khi ghép gan cho chị H là không cao nhưng các y bác sỹ Bệnh viện vẫn cố gắng áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, tranh thủ từng phút giây trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.
"Trong danh sách chờ ghép gan hiện có khá nhiều người. Các thầy thuốc đã băn khoăn nếu ghép cho bệnh nhân này thì các bệnh nhân khác lại chờ tiếp. Tuy nhiên do sự sống của bệnh nhân chỉ tính bằng ngày, máu không đông, suy thận cấp, tất cả chức năng thải độc của gan đã không còn hoạt động... Rối loạn toàn thể mà gốc là do gan. Nếu không can thiệp hiệu quả thì bệnh nhân sẽ tử vong trong khoảng 48 giờ,nên lãnh đạo bệnh viện đã quyết định ghép cho bệnh nhân H", Tiến sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong quá trình phẫu thuật, các y bác sĩ phải truyền 1.400ml máu và 1.400 ml huyết tương tươi đông lạnh, 100ml các yếu tố đông máu; sử dụng thuốc vận mạch liều cao.
Sau 9 tiếng căng thẳng, ca phẫu thuật kết thúc thành công, chức năng của gan ghép đã phục hồi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Thuỳ, bình thường với các trường hợp ghép gan, các thầy thuốc không dùng kháng sinh mạnh nhưng vì bệnh nhân này từng nằm hồi sức, trước khi mổ - ghép tạng đã nhiễm trùng, hôn mê cấp, khả năng nhiễm khuẩn cao nên chúng tôi chỉ định dùng kháng sinh sớm, rất hiệu quả.
Hai ngày sau ghép gan, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân được kiểm soát, chức năng gan có cải thiện, chức năng phổi cải thiện. Ngày thứ 3, bệnh nhân tỉnh táo, được rút nội khí quản, thở HFLC. Đến ngày thứ 4, kết quả chụp phổi cho thấy trường phổi tốt hơn nhiều.
Ngày thứ 5, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, được dùng thuốc chống đông, tập phục hồi chức năng. Chức năng gan tốt lên nhiều.
"Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ngồi nói chuyện. Đến hôm nay, chúng tôi khẳng định ca ghép gan đã thành công”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Thuỳ nhấn mạnh.
Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép gan thành công 120 trường hợp, 98 trường hợp từ người cho chết não, phần lớn là bệnh nhân có danh sách chờ ghép.
Với trường hợp của bệnh nhân H. là suy gan tối cấp cần thiết ghép càng nhanh, càng sớm - như ghép gan cấp cứu để cứu bệnh nhân. Đây là một trong những trường hợp nặng nhất mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành ghép thành công.
Tại Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim... Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều cuộc đời mới, đồng thời việc hiến tặng mô, tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái trong cộng đồng.
Theo TTXVN