Làm thuê đổi chữ cho con

Chủ nhật, ngày 24/01/2010

Tính đến tháng 1 này, gia đình anh Trần Dũng và chị Nguyễn Thu Nga (khu dân cư số 3, P.3, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đã có đến ba thầy giáo vì cậu con trai út Trần Phong Khải vừa nhận bằng tốt nghiệp ngành Mỹ thuật Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ.

 

Ở miền quê này, người ta vẫn nói tam nam bất phú, nên ai cũng xui anh Dũng chị Nga có thêm đứa con nữa cho nhà đỡ nghèo, nhưng chị Nga vẫn nói vui: "Tôi phận nhà nông, đã nghèo từ nhiều đời. Chồng tôi cũng vì nhà nghèo mà nghỉ học sớm, đi làm thuê. Giờ mà sinh nhiều con, con mình lại khổ như mình thôi. Vì vậy, chúng tôi chỉ cố gắng lo cho con ăn học...".

 Chị Thu Nga, anh Trần Dũng và hai con trai.

Gọi là ở thị xã, nhưng thực ra nhà chị Nga, anh Dũng vẫn nằm sâu trong ruộng, các con đến trường phải qua nhiều kênh, rạch. Thời các con còn bé, dù bận mấy anh chị cũng luân phiên nhau đưa con ra đường lớn để tự đến trường. Khi người con đầu Trần Liệt Khải vào cấp 2, anh chị mới yên tâm đã có "anh Hai" lo cho các em đi học mỗi ngày. Liệt Khải kể: "Ba mẹ khó tính lắm, nhưng chỉ khó trong chuyện học của anh em chúng tôi thôi. Nếu không tự giác học tập, ba mẹ sẽ đánh đòn".

 

Anh Dũng tâm sự: "Nghĩ mà thương các con, có khi nhà không còn một hạt gạo, đói quá, chúng ngủ thiếp đi không kịp học bài. Đến chiều, vợ chồng tôi đi làm mang gạo về, thấy ba anh em nằm chèo queo nơi góc ván. Tỉnh giấc, chưa kịp làm gì chúng đã lo khoanh tay xin lỗi ba mẹ: "Vì đói, tụi con học bài không nổi". Nhìn các con ham học, chúng tôi như đứt từng đoạn ruột, nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi càng quyết tâm bằng mọi cách phải cho con ăn học...".

 

Liệt Khải sinh 1979, Hồng Khải sinh 1984, Phong Khải sinh 1987. Cùng một nếp nhà nên ba anh em trưởng thành khá giống nhau. Cứ lần lượt tuổi lên bảy là các em biết nấu cơm, quét dọn nhà cửa, biết đi mò cua, bắt cá kiếm thêm cho bữa ăn gia đình. Lên cấp 2, vừa đi học, vừa sinh hoạt đội, đoàn, vừa đi làm mướn cho bà con lối xóm với những công việc lặt vặt như nhổ cỏ, tưới cây... Vào cấp 3, cả ba anh em đều ước mong làm thầy giáo...

 

Rồi lần lượt Liệt Khải tốt nghiệp CĐ Sư phạm Cần Thơ khoa Văn-Sử, được nhận về Trường THCS Lê Quý Đôn, Vị Thanh. Được trường cho đi học nâng cao, năm 2003, Liệt Khải tốt nghiệp ĐH Sư phạm. Hồng Khải tốt nghiệp khoa Thể dục thể thao cùng ngành sư phạm, đã đi dạy ba năm, là đảng viên trẻ, giỏi của Trường THCS Lê Quý Đôn và đang học lên bậc đại học.

 

Nhà anh Dũng, chị Nga giờ đã thành gia đình được nể nang, trọng vọng nhất khu dân cư số 3 bởi có đến ba thầy giáo. Ai cũng bảo anh chị thật may, nhưng Liệt Khải thì nói: "Không may mắn chút nào đâu. Những gì có được hôm nay của anh em chúng tôi là mồ hôi, nước mắt của ba, của mẹ. Khi tôi vào cao đẳng, ba phải bỏ nhà lên TP Cần Thơ đi làm phụ hồ, nuôi tôi ăn học. Ba sống xa nhà như vậy từ thời tôi cho đến thời của hai em học hành xa nhà. Cũng như sinh viên, ba tôi chỉ về nghỉ hè và nghỉ Tết... Những ngày gọi là được nghỉ, ba và anh em chúng tôi lại phải ra đồng phụ mẹ cấy lúa, làm cỏ... Ba anh em chúng tôi trưởng thành nhờ ba mẹ cả đời còng lưng làm thuê làm mướn... Những con chữ mà chúng tôi có đã được ba mẹ đánh đổi từ công lao động...".

 

(Theo Dân Trí)