Làm thế nào để phòng chống bệnh đái tháo đường?

Thứ hai, ngày 15/10/2012
Hiện số người mắc  bệnh đái tháo đường  (ĐTĐ), chủ yếu là tuýp  2, đang tăng lên nhanh  chóng. Bệnh ĐTĐ gây  những hậu quả nặng  nề về sức khỏe do các  biến chứng của bệnh,  gây giảm tuổi thọ từ  12 - 14 năm. Bệnh ĐTĐ  đang là một vấn đề y tế  nan giải, là một gánh  nặng đối với sự phát  triển kinh tế - xã hội, vì  sự phổ biến của bệnh,  vì các hậu quả nặng nề  của bệnh do được phát  hiện và điều trị muộn.    Một trường hợp bị ĐTĐ gây biến chứng đang được tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

Bệnh ĐTĐ là gì?

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Phó Trưởng khoa sốt rét - nội tiết (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, bệnh ĐTĐ hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa đường, kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Căn cứ nguyên nhân gây bệnh, ĐTĐ được phân thành 4 loại chính: ĐTĐ tuýp 1 thường gặp ở lứa tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc từ 5 - 9% trên tổng số những người mắc bệnh ĐTĐ; ĐTĐ tuýp 2 thường gặp ở lứa tuổi từ 45 trở lên tỷ lệ mắc 90 - 95% trên tổng số những người mắc bệnh ĐTĐ; ĐTĐ thai kỳ, tỷ lệ mắc 3 - 4% trên tổng số người mắc bệnh ĐTĐ; các thể ĐTĐ khác… Như vậy, trường hợp mắc bệnh ĐTĐ chủ yếu ở 2 dạng:

ĐTĐ tuýp 1: Cơ thể ngừng sản xuất insuline hoặc lượng insulin được sản xuất quá ít không đủ để điều hòa lượng glucose có trong máu. Thường gặp ở trẻ em hoặc thiếu niên. Những bệnh nhân bị ĐTĐ tuýp 1 cần phải được điều trị bằng insulin mỗi ngày để duy trì cuộc sống.

ĐTĐ tuýp 2: Là một chứng bệnh mạn tính phát triển khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi các mô trong cơ thể không thể sử dụng insulin một cách bình thường.

Tác hại của ĐTĐ

Những ai có thể bị ĐTĐ?

Tất cả mọi người có thể mắc bệnh ĐTĐ, những người sau có nguy cơ cao hơn là:

- Trong gia đình có người ruột thịt đã mắc bệnh ĐTĐ.

- Tuổi từ 45 trở lên.

- Thừa cân béo phì.

- Phụ nữ sinh con trên 4kg.

- Ít vận động.

- Người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

BS Cường cho biết, tỷ lệ người bị ĐTĐ gia tăng nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là sự gia tăng tỷ lệ những người bị béo phì và thường xuyên ngồi một chỗ nhiều. Người bị bệnh ĐTĐ thường dễ bị một số bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đục thủy tinh thể... và thường có tuổi thọ ngắn hơn những người khác. Do đó, ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và xã hội, bệnh có tỷ lệ tàn tật và tử vong cao.

Các biến chứng nặng nề do bệnh ĐTĐ gây ra, như bệnh về tim mạch: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Thận: đạm trong nước tiểu, suy thận. Mắt: đục thủy tinh thể, mù mắt. Thần kinh: dị cảm, tê tay chân. Nhiễm trùng: da, đường tiểu, lao phổi, nhiễm trùng bàn chân… và có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng chống ĐTĐ

BS Cường cũng cho biết, tiền ĐTĐ là giai đoạn sớm của bệnh ĐTĐ, nếu tiến triển thành bệnh  ĐTĐ điều trị rất tốn kém và có nguy cơ biến chứng. Tiền ĐTĐ là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để được chẩn đoán là ĐTĐ. Tiền ĐTĐ làm gia tăng nguy cơ bị ĐTĐ tuýp 2 và bệnh tim mạch hay đột quỵ. Thông thường tiền ĐTĐ có thể khỏi mà không cần sử dụng insulin hoặc thuốc bằng cách giảm cân vừa phải và gia tăng các hoạt động thể lực. Cách giảm cân này có thể phòng ngừa, hay ít nhất là làm chậm lại, sự khởi phát của ĐTĐ tuýp 2.

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, gia tăng hoạt động thể lực và giữ cân nặng vừa phải, tránh bị béo phì. Chế độ ăn hợp lý là nền tảng cho kế hoạch điều trị tiểu đường. Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện  các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Chế độ ăn hợp lý còn giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác bị tách biệt trong đời sống xã hội, BS Cường cho hay.

Bên cạnh việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh còn phải rèn luyện thân thể đều đặn tối thiểu 30 phút một ngày bằng cách chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội... Tuyệt đối tránh những môn thể thao nặng như tập tạ, hít đất, tập xà... Nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết để kịp thời có cách điều chỉnh ngay khi có dấu hiệu tăng. Quá trình điều trị đòi hỏi người bệnh phải có thái độ nghiêm túc, lòng kiên trì và tinh thần lạc quan. Bên cạnh đó, sự quan tâm, ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng góp phần không nhỏ đem lại hiệu quả trong việc chữa trị.

 T.PHƯƠNG