Làm thế nào để giữ chân người lao động?
Song song với đà phát triển về kinh tế, Bình Dương đang thu hút đông đảo dân nhập cư từ các địa phương khác. Mặc dù vậy, Bình Dương cũng như các tỉnh, thành bạn đang phải đối mặt với một thực trạng là thiếu nguồn lao động (LĐ), nhất là LĐ có tay nghề! Điều này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).
Khó thu hút LĐ
Nhằm tạo điều kiện cho các DN hiểu rõ hơn về tình hình LĐ tại khu vực, Trung tâm Giới thiệu việc làm kết hợp với Công ty Giải pháp nhân sự Thiên Khởi và CLB Nhân sự Bình Dương vừa tổ chức buổi tọa đàm: Tình hình LĐ tại Bình Dương - Thực trạng và giải pháp. Tại hội thảo, hơn 80 lãnh đạo nhân sự của các DN trong tỉnh đã trình bày “thị trường LĐ từ góc nhìn của DN”. Các giải pháp sử dụng LĐ tại DN và tình hình LĐ ở Bình Dương, thực trạng và giải pháp.
Tính đến nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 24 khu đã chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 700.000 LĐ trong các DN, khoảng 84% là LĐ ngoài tỉnh. Với nhu cầu tuyển dụng của các DN, mỗi năm Bình Dương cần tuyển từ 50.000 - 65.000 LĐ; Trong khi lực lượng LĐ của tỉnh hàng năm bước vào tuổi LĐ khoảng 15.000 - 20.000 người. Vì vậy, việc thu hút thêm một lượng lớn LĐ là hết sức cần thiết. “Các cơ sở đào tạo nghề được củng cố bước đầu về số lượng cũng như chất lượng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, tuy nhiên ngành nghề đào tạo vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tình trạng khan hiếm LĐ xảy ra ở hầu hết các ngành nghề tại Bình Dương là rất lớn”, ông Bùi Văn Kiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết.
Thực hiện tốt các chế độ sẽ "giữ chân" người lao động
Sau thời gian suy thoái về kinh tế, các DN bắt đầu hồi phục và có xu hướng mở rộng về quy mô sản xuất - kinh doanh cùng với những dự án đầu tư mới nên nhu cầu tuyển dụng LĐ cao, đặc biệt là LĐ phổ thông. Vì vậy, việc thu hút LĐ ngoài tỉnh vào làm việc tại Bình Dương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quá trình thu hút LĐ vẫn gặp những khó khăn vướng mắc. Ông Bùi Văn Kiêu thẳng thắn: Theo ước tính, trong những năm gần đây chỉ riêng khu vực miền Trung và miền Bắc, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có cả trăm KCN, cụm công nghiệp với hàng ngàn nhà máy, công ty, xí nghiệp lớn nhỏ. Với số lượng đông đảo như thế, việc “hút” LĐ ở tại chỗ là điều đương nhiên. Còn với người lao động (NLĐ) họ cũng có cái lý khi ở lại quê nhà làm việc. Một khi đồng lương được trả ở mức tương đương (dù ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...) so với Hưng Yên, Quảng Nam, Trà Vinh, Bến Tre... thì làm ở quê nhà vẫn có khả năng tạo ra cuộc sống tốt hơn so với đi làm nơi xa.
Cần chính sách “giữ chân” LĐ
Chính sự chuyển dịch địa bàn phát triển công nghiệp là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng nhiều DN phía Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đang và sẽ thiếu LĐ trầm trọng. Nguồn thu nhập của LĐ thiếu hấp dẫn, nhiều LĐ “chê” lương thấp từ chối công ty để tìm kiếm DN có mức lương khá hơn. Hiện nay nhiều DN chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở, nhà giữ trẻ... cho công nhân điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ổn định của NLĐ. Một số DN đã có mức hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Tuy nhiên, giá cả hiện nay không ổn định: giá thuê nhà và giá tiêu dùng thường xuyên tăng nhưng mức thu nhập của NLĐ lại không thay đổi, nên chẳng theo kịp được với thị trường. Một số nơi môi trường sống và an ninh ở các khu nhà trọ chưa bảo đảm nên NLĐ không yên tâm để làm việc khiến họ phải chuyển đi nơi khác, dẫn đến DN mất NLĐ. Việc đào tạo của trường nghề cũng như nhu cầu của DN chưa ăn khớp. Các công ty chưa có chính sách giữ chân NLĐ nên thường xảy ra tình trạng LĐ đổi chỗ làm từ công ty này chuyển sang công ty khác, gây tình trạng khan hiếm LĐ ảo.
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn LĐ như hiện nay, ngoài việc các DN cố gắng tự tìm giải pháp cho mình như đăng thông tin tuyển dụng trên các trang web, áp dụng chính sách ưu đãi cho nhân viên giới thiệu LĐ mới hoặc nhân viên nhân sự của các công ty về tận địa phương để tuyển dụng, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các LĐ ở xa... các DN cũng có các chế độ, chính sách đãi ngộ riêng đối với nguồn LĐ của mình. Một số DN như Công ty May mặc Bình Dương, Việt Nam Onamba, Điện tử Foster Việt Nam, Kondo Việt Nam... đã thường xuyên tổ chức các đoàn về các địa phương để tuyển chọn tìm nguồn LĐ.
Sau khủng hoảng, nền kinh tế tiếp tục phục hồi đòi hỏi lực lượng LĐ phong phú, đa dạng; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình hình cung - cầu trên thị trường LĐ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng năm nay vẫn bị “lệch pha”. Từ góc nhìn của mình, một số lãnh đạo DN chia sẻ...
Ông Âu Đức Thành, Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty Scancom Việt Nam: Cạnh tranh về các chế độ phúc lợi
Nhu cầu LĐ tăng nhanh và tập trung vào các ngành nghề: cơ khí, gỗ, xây dựng, văn phòng, bảo hiểm, điện tử, viễn thông, may, giày dép, hàng gia dụng... Mức độ cạnh tranh về mặt lương bổng, chế độ phúc lợi để thu hút LĐ ngày càng gay gắt. Để thu hút và “giữ chân” LĐ, trước tiên cần tăng mức lương cơ bản, điều chỉnh tăng các phụ cấp hiện có (đi lại, nhà ở, độc hại, tay nghề, chuyên cần, hỗ trợ tiền cặp sách cho con công nhân dưới 6 tuổi, thậm chí xây nhà trọ cho CNV ở miễn phí...) hỗ trợ tiền tàu xe vào dịp tết. Về lâu dài DN cần cải thiện điều kiện làm việc, có chính sách bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý cho khối quản lý sản xuất cấp trung, có những khoản thưởng được trải đều trong năm và áp dụng hình thức thưởng theo năng suất nhằm gắn thu nhập với hiệu quả công việc, tự sàng lọc chất lượng công nhân.
Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Nhân sự Thiên Khởi Lê Thanh Luân: Giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong tuyển dụng nhân sự
Công ty Thiên Khởi hiện đang cung cấp cho DN các dịch vụ: Tư vấn nhân sự, nhân sự thuê ngoài, tuyển dụng, đào tạo định hướng cho công nhân... hầu hết các DN hiện nay đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là lực lượng LĐ phổ thông. Do tình hình lạm phát tăng cao, các DN cạnh tranh với nhau bằng tiền lương và các chế độ phúc lợi. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời và điều đó đã đẩy các DN đi đến một khó khăn chung là; tiền lương chi trả cho công nhân cao mà DN nào cũng thiếu nguồn LĐ và lực lượng này lại không ổn định. Trước những khó khăn đó các DN cũng đưa ra một số giải pháp như tìm về các vùng nông thôn tìm kiếm nguồn LĐ để bù đắp lực lượng LĐ đang bị thiếu hụt; bố trí LĐ phù hợp với ngành nghề, sức khỏe; tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người LĐ.
GĐ Hành chính nhân sự Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam Bùi Ninh Quang: Tuyển dụng đang chạy ăn từng bữa!
Công tác tuyển dụng đang chạy ăn từng bữa và công nhân, nhân viên trúng tuyển phần lớn chất lượng chưa đạt yêu cầu. Khó khăn trong tuyển dụng là không đủ nguồn cung. Mặc dù chính sách và thương hiệu công ty rất tốt, số nghỉ việc vẫn cao do các công ty khác chiêu dụ. Nhu cầu hàng năm của một công ty tuyển 400 - 500 CNV. Các tồn đọng vừa qua như thời gian đào tạo thường dài, không kịp đáp ứng nhu cầu công việc. Công ty liên hệ các trường, trung tâm giới thiệu để tuyển dụng vẫn không đủ. Những người có năng lực tốt bị công ty khác tìm cách níu kéo về. Để tiếp tục thu hút LĐ, công ty đã phải liên hệ các địa phương làm nông nghiệp để tuyển dụng, tuy nhiên tác phong làm việc của số LĐ này nói chung là chưa phù hợp.
VĂN SƠN