Làm sao để khởi kiện khi bị đơn vắng mặt ở địa phương?

Thứ hai, ngày 07/10/2013

 Trong một số trường hợp, khi đã thụ lý đơn khởi kiện có kèm giấy xác nhận chứng minh nơi cư trú của bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của chính quyền địa phương, nhưng trong quá trình giải quyết VA, thẩm phán tiến hành xác minh lại thì được biết bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong VA vắng mặt khỏi địa phương trước thời điểm TA thụ lý nên đã đình chỉ VA theo điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung, căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS là trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, với lý do: người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong VA.  

Dưới góc độ pháp lý, thẩm phán Huỳnh Minh Khánh (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất hướng xử lý trong VA có đương sự vắng mặt nơi cư trú từ một VA cụ thể như sau:

Cuối năm 2010, ông A. có vay tiền của ông B. với số tiền là 200 triệu đồng, lãi suất hai bên thỏa thuận là 2%/tháng, hai bên có lập biên nhận viết tay và hẹn đến cuối năm 2012 ông A. sẽ thanh toán đầy đủ số tiền vốn vay. Kể từ khi vay thì ông A. chỉ trả lãi cho ông B. được 3 tháng đầu thì ngưng không trả lãi nữa. Đến hạn trả nợ vay, ông B. đã liên hệ yêu cầu ông A. thanh toán khoản nợ trên nhưng ông A. cố tình dây dưa không trả và vào đầu năm 2013, ông A. đã bỏ địa phương lên TP.HCM ở tại một nhà người quen. Đến tháng 3-2013, ông B. đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông A. trả nợ. Khi nộp đơn khởi kiện, ông B. có nộp kèm giấy xác nhận tình trạng cư trú của ông A. Nội dung xác nhận như sau: “Ông A. có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp X., xã Y. huyện M., tỉnh N.”. Ông B. ghi địa chỉ của ông A. theo đúng nơi cư trú của ông A. mà chính quyền địa phương đã xác nhận. Vụ kiện của ông B. đã được TAND huyện M. thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, nhưng sau đó thẩm phán được phân công giải quyết VA đến xã Y. để xác minh thì chính quyền đã xác nhận: “Ông A. có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp X., xã Y. huyện M., tỉnh N. và đã đi khỏi địa phương từ tháng 1-2013”. Sau đó, TA triệu tập ông B. đến và yêu cầu ông B. cung cấp địa chỉ hiện tại của ông A. nhưng ông B. không cung cấp được.

Đối với vụ việc nêu trên, có hai quan điểm giải quyết, cụ thể như sau:

Một, cần quyết định đình chỉ giải quyết VA (căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS) và trả lại đơn khởi kiện cho đương sự (căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS) vì ông B. không cung cấp được địa chỉ của ông A.; hướng dẫn ông B. thực hiện nộp đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú theo quy định tại chương XXII của BLTTDS.

Hai, TA cấp sơ thẩm cần phải thực hiện các thủ tục để xét xử vắng mặt ông A. theo quy định tại Điều 199 BLTTDS vì các lý do sau đây: Tại Công văn 109/KHXX ngày 30- 6-2006 về việc xử lý trường hợp không biết địa chỉ của người khởi kiện của TANDTC có hướng dẫn như sau: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 164 BLTTDS, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện (điểm đ khoản 2 Điều 1 64). Trong trường hợp người khởi kiện không thi hành đúng quy định nêu trên của BLTTDS, thì TA yêu cầu họ phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của BLTTDS. Nếu họ không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của TA, thì TA trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của BLTTDS”.

Tại các tiểu mục 8.6 và 8.7 mục 8 Phần I Nghị quyết số 02/2006/ NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại TA cấp sơ thẩm” của BLTTDS quy định: “8.6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho TA, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. TA tiến hành thụ lý giải quyết VA theo thủ tục chung. 8.7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Trong trường hợp kể trên, ông B. đã xác định cụ thể địa chỉ cư trú của ông A. là tại nơi ông A. có đăng ký hộ khẩu thường trú và ghi đầy đủ vào đơn khởi kiện, được TA thụ lý là đúng với hướng dẫn của TAND tối cao. Khi ông A. chuyển đến TP.HCM, vắng mặt khỏi địa phương thì địa chỉ mới tại TP.HCM cũng được xem là không hợp pháp vì ông A. không đăng ký tạm trú hoặc chuyển hộ khẩu theo quy định của pháp luật nên không thể xem địa chỉ tại TP.HCM của ông A. là địa chỉ phải bắt buộc ghi trong đơn khởi kiện của ông B. được.

Như vậy, nếu đình chỉ giải quyết VA và hướng dẫn ông B. trước khi khởi kiện phải thực hiện nộp đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú theo quy định tại chương XXII BLTTDS là không phù hợp pháp luật; vì tại thời điểm nộp đơn khởi kiện thì việc vắng mặt của ông A. chưa đủ thời gian 6 tháng liền; nên nếu ông B. muốn thực hiện thủ tục này thì phải đợi đủ thời gian biệt tích của ông A., điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông B. vì trong thời gian đợi này, ông A. có thể tẩu tán tài sản.

 NGUYỄN PHÚ