Làm rõ tổ chức, cá nhân sai phạm thu chi ngân sách

Thứ bảy, ngày 25/05/2013

  Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiếnTiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25-5, Quốc hội Khóa XIII đã xem xét Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Hội trường, Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tổ chức quản lý, hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quyền chọn đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 01/07/2006 hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại thì doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư.

Theo thống kê, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại. theo quy định của điểm a, Khoản 2 Điều 170; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại theo quy định của điểm b, Khoản 2 của điều luật này. Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người. Đến nay, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại Giấy phép đầu tư nhưng muốn đăng ký lại để tiếp tục hoạt động; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng sau: Bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp. Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành về nội dung sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Theo Báo cáo Thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước). Trong đó, thu theo dự toán Quốc hội giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Thuế, Hải quan.

Cũng theo báo cáo, tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012); bội chi ngân sách Nhà nước là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá: Thu ngân sách Nhà nước tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Việc lập dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2011 chưa sát thực tế (dự toán năm 2011 là 42.000 tỷ đồng, thực hiện hoàn thuế là 61.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng).

Mặc dù tăng thu xuất nhập khẩu 17.065 tỷ đồng nhưng vẫn để nợ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng chưa có nguồn thanh toán lên tới 14.532 tỷ đồng, tạo thêm áp lực mất cân đối ngân sách những năm sau. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển chung về kinh tế-xã hội.

Cho ý kiến về những nội dung này, các đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả chi ngân sách Nhà nước năm 2011, nhất là đối với những nội dung chi đầu tư, xây dựng cơ bản; đồng thời cần chỉ rõ những cá nhân, tổ chức chi sai nguyên tắc, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều khó khăn, việc sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2011 vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát. đại biểu Dung đề nghị Quốc hội cần làm rõ những vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước để có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, Báo cáo quyết toán ngân sách cần đi đôi với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhất là trong các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu, sử dụng ngân sách Nhà nước để có căn cứ xử lý những hành vi sai phạm.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Theo TTXVN