Làm rõ thêm các quy định trong dự án Luật lực lượng dự bị động viên
(BDO)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 11/11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về dự án Luật này.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy trên cơ sở ý kiến tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đối với ý kiến cho rằng tên dự thảo Luật không phù hợp với nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định tên gọi trên đã kế thừa tên gọi của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, trong quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng.
Lực lượng dự bị động viên gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, đại biểu Lưu Đức Năm (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh việc quy định "kinh phí bảo đảm" tại Điều 1, Chương I dự án Luật (về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên) là chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Hoạt động bảo đảm không đơn thuần là bảo đảm về kinh phí mà còn nhiều hoạt động khác như về hậu cần, kỹ thuật và chuỗi các công việc cần thiết khác nhau trong dự bị động viên.
"Cần nghiên cứu chỉnh sửa lại trong dự thảo Luật là “chế độ, chính sách và công tác bảo đảm” cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc huy động lực lượng dự bị động viên trên thực tế," đại biểu Lưu Đức Năm nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng nêu ý kiến khoản 2 và khoản 3 của Điều 8 quy định về thẩm quyền lập kế hoạch còn chung chung, chưa rõ ràng, cần định danh rõ hơn để xây dựng và huy động lực lượng động viên.
Tại buổi thảo luận, cơ quan trình và chủ trì thẩm tra dự án Luật đã tiếp thu, phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết về cơ bản, các nội dung của dự thảo đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa.
Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát tình hình, đặc thù trong công tác quân sự quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
"Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm những quy định trong dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.
Theo TTXVN