Làm phóng viên bạn đọc phải chịu khó
Làm phóng viên (P.V) bạn đọc thì phải chấp nhận va chạm, không chùn bước trước việc khó, thức đêm thức khuya lặn lội xuống địa bàn, vùng sâu để tác nghiệp. Tùy vào bài viết mà P.V bạn đọc có thể “hóa mình” thành nhiều nhân vật để tiếp cận vụ việc, thậm chí bị hù dọa. Vì thế, ngoài chịu khó nếu không có một chút… lì, thì P.V bạn đọc khó hoàn thành công việc được giao.
(BDO)
P.V bạn đọc trắng đêm tác nghiệp vụ giải cứu cháu Nguyễn Trần Tú Anh rớt xuống giếng khoan trên địa bàn xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên. Ảnh: Q.TÁM
Giả làm xe ôm, người câu cá…
Không phải lúc nào cũng đóng thùng, ăn mặc chỉnh tề như đi hội họp; do tính chất công việc nên P.V bạn đọc phải “bụi” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quần jeans, áo thun gần như thường trực. Có khi xuống hiện trường bằng cái xe máy cà tàng, mặc quần cụt, đi dép lê để ghi hình. Không máy lớn, ống kính dài mà thay vào đó là phải thường xuyên tác nghiệp bằng điện thoại, máy ghi âm. Nếu không có thẻ nhà báo bên mình thì khi ra đường không may gặp chuyện, chắc P.V bạn đọc không dám nhận mình là nhà báo!
Ngoài chuyện “hóa mình” khi thì làm anh chạy xe ôm hay người câu cá để dễ dàng tiếp cận mục tiêu, cái khó của P.V bạn dọc là đề tài. Mỗi bài viết là một đề tài mới, vụ việc mới. Cũng vì thế mà việc báo cáo đề tài hàng tuần với tòa soạn, P.V bạn đọc thường xuyên rơi vào thế bí! Không ít lần phải “vẽ hươu, vẽ vượn” cho có cái mà báo cáo đầu tuần. May có mấy anh tòa soạn là người có kinh nghiệm nghề ghiệp, thương lính nên cũng thông cảm cho em út, du di cho qua. Từ chỗ thấu hiểu nỗi khổ của P.V nên mỗi lần chuyện trò, sinh hoạt nghiệp vụ, các anh không quên động viên, tiếp sức để anh em “có lửa” tiếp tục chiến đấu với công việc.
Để có được đề tài mới và hay, không còn cách nào khác là P.V bạn đọc phải thường xuyên đi cơ sở, xây dựng cho mình một hệ thống “chân rết” mới có nguồn tin; đồng thời điện thoại luôn ở chế độ mở 24/24 để nhận được thông tin là lên đường ngay. Cũng nhờ những bạn đọc nhiệt tình mà thời gian qua, Báo Bình Dương đã tiếp cận được nhiều tin hay, kịp thời phản ánh lên mặt báo. Điển hình như vụ một cháu bé ở TX.Dĩ An bị chính mẹ đẻ và ba dượng hành hung phải nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong đêm khuya, hay việc giải cứu cháu bé rớt xuống giếng khoan ở địa bàn TX.Tân Uyên. Bên cạnh đó, cũng nhờ nguồn tin từ cơ sở mà P.V đã phanh phui nhiều vụ khai thác chui các hầm đất, đá trên địa bàn TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên gây nguy hại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Và, gần đây nhất là vụ việc phanh phui đường dây làm giấy tờ giả xe lôi trên địa bàn TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một.
Lì và yêu nghề
Khi đã có đề tài hay, việc còn lại là P.V phải lì, không ngại va chạm thì mới hoàn thành được bài viết một cách tốt nhất. Chỉ một phút lơ là, xuống hiện trường chậm khi mọi việc đã trôi qua, coi như thua cuộc. Hay thấy việc khó, sợ nguy hiểm đến tính mạng mà rút lui thì cũng thua. Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp P.V bạn đọc phải tỉnh táo, đôi khi phải sử dụng một chút mưu mẹo và phải đeo bám suốt một thời gian dài mới mong có được thông tin đủ tin cậy. Đã là P.V bạn đọc mà đến đâu cũng xưng mình là nhà báo thì chỉ có nước… về tay không!
Đơn cử như vụ cháu Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) bị ba dượng đánh đến chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu trong đêm khuya, P.V bạn đọc phải “chạy” hết công suất, có khi còn không kịp ăn mới đáp ứng được hàng chục tin, bài, clip cho tòa soạn trong khoảng 5 ngày... Đêm đó trời mưa tầm tã, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ thì nhận được tin báo từ một bác sĩ thân quen, liền khoác áo mưa lên đường. Đến bệnh viện tôi “hóa thân” thành người thân của cháu bé, nhưng cũng không thể lọt qua cánh cửa phòng cấp cứu, vì sức khỏe của cháu lúc này rất yếu, người nhà chưa được vào thăm. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết chỉ cần mở miệng bảo mình là nhà báo đến tác nghiệp lại càng khó hơn cho việc “moi” tin. Tôi đành tìm lối cửa sau để đột nhập, ghi hình và nắm thông tin từ những người ở trọ đã đưa cháu vào viện. Nghe họ nói cháu đang đói mà không có tiền để mua sữa, tôi liền vét túi được khoảng 500.000 đồng nhờ các anh chị mua sữa và chăm sóc cháu. Ra khỏi phòng cấp cứu, tôi điện ngay cho tòa soạn báo có tin “hót”. Rất mừng là chỉ 10 phút sau, thông tin ấy đã được đăng tải sớm nhất trên báo Bình Dương online.
Sáng tinh mơ ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại từ tòa soạn tiếp tục thông tin về vụ việc. Trong những ngày ấy, tôi gần như quên cả ăn. Ngoài thời gian đến bệnh viện, ghé công an, nhà trọ nơi cháu ở để điều tra, viết bài… còn phải lùng sục số điện thoại tìm cho được người thân của cháu. Từ những thông tin trên báo, khoảng 2 ngày sau bà ngoại rồi bố đẻ của cháu đã tìm đến bệnh viện, sự thật vụ việc dần được phanh phui. Lời khai giả dối trước công an của mẹ và người cha dượng rằng cháu bị té chứ không phải bị đánh đã được vạch trần. Cũng từ thông tin trên báo, nhiều nhà hảo tâm ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện giúp đỡ cháu Ngân với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Càng quý hơn, khi không ít bạn đọc là những người trẻ, sinh viên đã dành số tiền ăn sáng rồi lặn lội từ Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh về thăm cháu và đã khóc nức nở trước hoàn cảnh đáng thương của một đứa trẻ bất hạnh…
P.V bạn đọc là vậy, cứ nghe có đề tài hay là sẵn sàng xách ba lô lên đường. Không một xã vùng sâu, vùng xa nào trên địa bàn mà chúng tôi chưa đặt chân đến. Cách đây không lâu, tôi và một đồng nghiệp mới vào nghề dù đã hóa trang thành người câu cá để tiếp cận việc bơm hút cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Mặc dù đã chuẩn bị khá chu đáo, nhưng khi lọt vào “trận địa” bơm hút cát tôi cũng không khỏi rùng mình trước những công nhân mình đầy xăm trổ. Lúc móc điện thoại thực hiện các thước phim thì người đồng nghiệp thì thào bên tai tôi: “Chết anh ơi, nó phát hiện là mình không có đường thoát!”. Nói thật lúc ấy mặt tôi cũng xanh như tàu lá, tay hơi run nhưng vẫn cố trấn an: “Không sao đâu, mấy vụ này anh làm miết, cứ bình tĩnh”. Cho đến khi cả hai thoát khỏi cung đường độc đạo, lầy lội ở khu vực khai thác cát chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Đột nhập và ghi hình việc khai thác trái phép các hầm đất trên địa bàn TX.Bến Cát cũng là một kỷ niệm khó quên trong nghề đối với những P.V bạn đọc như chúng tôi. Để tiếp cận được hiện trường, nhóm P.V chúng tôi phải cởi trần, phơi nắng giả vờ đi… nhặt củi! Đến khi đã ẩn nấp kín đáo và đang mở máy ghi hình cảnh đào bới, vận chuyển đất mới tá hỏa người mình bị kiến vàng phủ kín. Chỉ 10 phút gồng mình chịu trận hôm ấy, nhưng đến giờ thấy kiến tôi vẫn chưa hết rùng mình. Những ngày sau đó, không biết bằng cách nào mà nhóm khai thác đất liên tục điện thoại, nhắn tin vào số máy chúng tôi xin gặp mặt. Những lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý của nhóm người này khiến chúng tôi không khỏi âu lo một thời gian dài…
Hạnh phúc với công việc
Mỗi bài viết điều tra, với P.V bạn đọc là một kỷ niệm khó quên. Cực khổ có, nguy hiểm cũng có. Tuy nhiên, trước mỗi việc khó, P.V luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của tòa soạn khiến chúng tôi càng thấy gắn bó, yêu nghề hơn. Và càng hạnh phúc khi thông qua những bài viết của mình, nhiều sự thật sớm được phanh phui. Bên cạnh đó, những lời thăm hỏi, động viên từ bà con cơ sở sau mỗi bài viết đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ…
Ngày tham dự phiên xét xử mẹ ruột và ba dượng của cháu Đỗ Thị Kim Ngân, nhìn cháu da thịt hồng hào, tươi tỉnh và hạnh phúc trong vòng tay người thân, không phải riêng tôi mà tất cả những người dự khán hôm ấy ai cũng mừng. Chỉ mới thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” sau vài tháng mà cháu như cao lớn hơn hẳn so với trước đó. Một khoản tiền khá lớn từ bạn đọc gửi về giúp đỡ, mở tài khoản riêng cho cháu để có tiền ăn học. Một bản án nghiêm khắc dành cho người ngược đãi trẻ em được tòa tuyên án… Tuy nhiên, niềm vui ấy có trọn vẹn với những P.V điều tra như chúng tôi hay không thì cũng khó lý giải. Bởi trong phiên xét xử, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp hình ảnh cháu Ngân liếc mắt nhìn mẹ một cách trìu mến qua khe cửa sổ mà không khỏi chạnh lòng!
P.V bạn đọc là vậy, cứ nghe có đề tài hay là sẵn sàng xách ba lô lên đường. Trong quá trình tác nghiệp, P.V bạn đọc phải tỉnh táo, đôi khi phải biết sử dụng một chút mưu mẹo và phải đeo bám suốt một thời gian dài mới mong có được thông tin đủ tin cậy. Đã là P.V bạn đọc mà đến đâu cũng xưng mình là nhà báo thì chỉ có nước… về tay không!
Q.TÁM