Lạm phát có thể quay trở lại nguy cơ nhập siêu

Thứ ba, ngày 26/07/2011

“...Khi lạm phát, chúng ta thấy có 2 biểu hiện xung đột nhau. Một là thừa tiền thì thu tiền vào để giảm lạm phát. Nhưng bên cạnh đó, khi thu tiền vào cũng đồng thời làm cho nguồn tiền đưa vào sản xuất bị thiếu đi, tạo ra tác nhân cho việc thiếu hàng hóa, do đó sẽ đẩy giá hàng hóa lên, tiếp tục gây ra lạm phát. Thiếu hàng hóa sẽ dẫn đến nguy cơ nhập siêu gia tăng hoặc lạm phát quay trở lại...”, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành chia sẻ những trăn trở về những vấn đề vĩ mô dưới góc nhìn của một nhà sản xuất trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ.

 - Thưa ông, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về lạm phát ngược, nghĩa là khi tiền tệ thắt chặt quá cũng sẽ gây ra lạm phát. Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông nhìn nhận quan điểm này như thế nào?

- Với việc thu hẹp sản xuất của nhiều doanh nghiệp do những khó khăn đầu vào, lãi suất cao, chi phí sản xuất gia tăng... sẽ dẫn đến một khả năng là nền sản xuất không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thị trường sẽ thiếu hàng hóa. Đặc biệt, một vấn đề đáng quan ngại là chúng ta thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát thì chính những biện pháp đó lại tác động ngược như là một tác nhân của lạm phát. Do vậy, về các gói giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, tôi cho rằng rất đúng đắn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc, chỉ bám vào các biện pháp này mà không có những điều chỉnh linh hoạt, tôi lo ngại sẽ nảy sinh các vấn đề xấu, nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng rất thấp trong thời gian tới. Nếu dòng tiền tiếp tục không hướng nhiều về sản xuất được như hiện nay thì việc chống lạm phát lại nảy sinh tác nhân gây lạm phát là rất cao vì khi nền sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thị trường thì quy luật cung cầu sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

- Nhưng thưa ông, khi thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng chỉ đạo cho ngân hàng hạn chế nguồn vốn vào lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản và chứng khoán nhằm ưu tiên đầu tư vốn cho sản xuất. Như vậy, làm sao có thể nói thiếu vốn cho sản xuất ?

 Một trong những công đoạn sản xuất tại Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành

- Hiện nay, Nhà nước cũng hạn chế nguồn vốn vào bất động sản, chứng khoán để nhằm đưa các nguồn vốn huy động vào sản xuất. Thế nhưng, với việc các ngân hàng đua nhau lách trần lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng không mặn mà với việc vay vốn để sản xuất vì nguy cơ rủi ro trong kinh doanh hiện nay rất cao. Thiếu vốn cho sản xuất ở đây còn là biểu hiện ở việc doanh nghiệp không mặn mà vay vốn để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Vì thế, tôi lo ngại rằng trong thời gian tới, nền kinh tế sẽ phải chứng kiến một làn sóng nhập khẩu các mặt hàng hóa thiết yếu do nền sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, nhập siêu lại là một thách thức mới trong bối cảnh chúng ta căng sức kiềm chế lạm phát. Còn nếu hạn chế nhập khẩu, lạm phát có thể tiếp tục gia tăng do giá cả hàng hóa tăng do thiếu dòng vốn đi vào sản xuất.

- Vậy theo ông, các chính sách vĩ mô cần để ứng xử với những xung đột vĩ mô trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

- Khi lạm phát, chúng ta thấy có 2 biểu hiện xung đột nhau. Một là thừa tiền thì thu tiền vào để giảm lạm phát. Nhưng bên cạnh đó, khi thu tiền vào cũng đồng thời làm cho nguồn tiền đưa vào sản xuất bị thiếu đi, tạo ra tác nhân cho việc thiếu hàng hóa, do đó sẽ đẩy giá hàng hóa lên, tiếp tục gây ra lạm phát. Thiếu hàng hóa sẽ dẫn đến nguy cơ nhập siêu gia tăng hoặc lạm phát quay trở lại. Cách giải quyết tình hình khó khăn như hiện nay, ở các nước khác họ luôn có một mức lãi suất huy động thấp so với chỉ số lạm phát. Bên cạnh đó, họ cũng luôn hướng được dòng tiền huy đồng vào sản xuất với lãi suất thấp cho những ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu để giải quyết vấn đề thiếu hàng hóa.

- Là một nhà sản xuất và xuất khẩu lớn, ông có nhận định thế nào về những khó khăn của xuất khẩu khi phải đối mặt với những khó khăn vĩ mô?

- Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đã có 20 năm tìm giải pháp phát triển hàng hóa, thị trường cho xuất khẩu bằng những chính sách ưu đãi. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tìm cho mình được thị trường nhất định ở nước ngoài. Chính việc thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài đã góp phần đưa nước ta từ một nước nghèo, trở thành một nước có mức thu nhập trung bình như hiện nay. Tuy nhiên, với những khó khăn như hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam cùng bán hàng với các nước trong khu vực trên cùng một thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần thị phần do chi phí đầu vào tăng quá cao. Do vậy, tôi cũng lo ngại việc thắt chặt tiền tệ lâu quá sẽ làm cho những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam giảm đi, những cố gắng nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu suốt 20 năm qua sẽ bị ảnh hưởng và chúng ta sẽ phải trả giá cho những năm sau này. Trước mắt, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu do thiếu hàng hóa...

- Xin cám ơn ông.

THÀNH SƠN (thực hiện)