Làm nông nghiệp - thu bạc tỷ không khó
Những công nhân đang tất bật đếm hoa, xếp thành đóa chuẩn bị giao hàng cho khách
Chủ vườn tất bật
Khó có ai ngờ trên vùng đất xa xôi nhất của tỉnh lại là nơi trải lòng khát khao của người yêu hoa lan. 2 ha phủ hết lưới, những liếp lan ngang dọc sặc sỡ đủ màu, vàng trắng, nhung tím, trắng hồng, hòa lẫn tiếng nói, cười của người hái hoa, chăm hoa làm cho vùng nông thôn yên ả ngày nào căng đầy sức sống. Tiếp chúng tôi, chủ TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đầu tư hàng chục tỷ đồng trên vùng đất heo hút này, chỉ có những người yêu lan mới dám làm.
“Yêu lan, nhưng lan phải mang lại tiền bạc, giàu sang cho chủ thì mới bền vững. Chủ TT lan ở đây có đủ 2 thứ ấy” - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa Trịnh Đinh Toan khẳng định. Anh Toan vốn cũng là một nông dân hẳn hoi, quản lý một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh nhưng luôn đắn đo với chuyện 1 ha đất mà thu nhập vài chục đến trăm triệu đồng/ năm thì chừng nào dân mới giàu và khẳng định: “Trong dân có nhiều người rất giỏi làm ăn, có điều làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất để họ chịu bỏ tiền, bỏ công sức ra đầu tư, đừng nói vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/ha họ cũng làm được”.
Một ngày lang thang ở đây, điều chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi anh Toan đọc vanh vách tên ông chủ vườn lan này, trồng bao lâu, mua bán như thế nào, cho ai nhưng ngược lại ông chủ vườn lan thì không biết anh Toan là ai dù đã làm ăn gần 10 năm trên vùng đất này. Bởi thế, những người khách lạ không hề được tiếp đãi tử tế, mặc cho chủ tịch xã ngồi bệt xuống đất bên trại lan quyến rũ cả buổi sáng, không có lời hỏi thăm hay trà nước. Anh Toan cho biết: “TT này có gần 10 năm nay, đầu tiên trồng cây dó bầu nhưng không thấy hiệu quả nên trồng xen cao su, 2 năm nay trồng thêm 2 ha hoa lan”.
Minh Hòa giờ đây không ai còn nhận ra cái im lìm, heo hút của vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Bình Dương. Chợ búa tấp nập, điện đường, trường, trạm ngày một khang trang. Người dân ở đây giờ không còn mặt cảm người vùng sâu, vùng xa mà thế vào đó họ bàn chuyện xã nhà chuẩn bị lên thị trấn. Con đường 14 cũ về làng Chăm nay đã trải nhựa, vì thế TT Mai Hoàng Liên xe cộ lui tới mua, bán ngày càng đông.
Tôi nhận ra ông chủ TT quá bận bịu với đội ngũ nhân công chăm sóc, vừa tính toán cho người mua, vừa sắp xếp đưa hàng về TP.HCM…
1m2 thu hơn triệu đồng
Ông chủ TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đây mới chỉ là khởi đầu của TT lan Mai Hoàng Liên mùa này. Những cô gái Chăm khoảng 16 người không biết từ bao giờ có được đôi tay nhẹ nhàng khéo léo, thoăn thoắt từng nhành hoa, đếm, xếp chúng thành những đóa hoa tươi thắm, ngây ngất lòng người. Theo yêu cầu của chủ, mỗi bó phải đúng 5 nhành hoa, mỗi nhành hoa phải đúng 10 bông. Tất cả các bông màu sắc, kích cỡ đồng đều, sặc sỡ. Nhất định không để một bông nào bị hư, hỏng, héo trộn lẫn vào. Quản lý đội nữ nhân công này là một người đàn ông đứng tuổi, đôi mắt ông không ngừng dõi theo những nhành hoa trên đôi tay dịu dàng của những cô gái xuân thì. Rồi thỉnh thoảng ông đếm đi, đếm lại những túi đựng hoa rồi nhẩm tính: hôm nay phải đủ số lượng 1.000 bó, không đủ bị chủ trách là khổ. Tiếp chuyện với chúng tôi ông quản lý mào đầu khó chịu: “Đừng hỏi tên tôi, tôi thứ ba, cứ gọi anh ba là được”. Nhưng ông cũng cho biết mỗi ngày đội quân của ông phải giao cho chủ 1.000 bó, giá thị trường 50.000 đồng/bó, tương đương mỗi bông lan 1.000 đồng. Nhẩm tính mỗi ngày tiền bán bông đem về cho chủ 50 triệu đồng. Không biết khách hàng từ đâu, rất khó tính nhưng được một điều bao nhiêu cũng mua, nên chúng tôi phải hết sức cẩn thận không làm phật lòng ông chủ cũng như khách hàng”. Tấp nập thương lái mua hoa
Phía trước sân nhà đội ngũ thương lái xếp hàng chờ chủ giao hàng. Họ đến khắp nơi, từ Bình Phước, Tây Ninh, cả người Củ Chi và Đắc Nông. Các thương lái không đến mua hoa mà mua chậu lan. Họ đến mua rất trật tự, người đến trước được cung cấp hàng trước, người đến sau phải chờ. Anh Bảo một thương lái đến từ Bình Phước cho biết, cứ 2 ngày anh đến lấy lan một lần, mỗi lần lấy 150 chậu. Mấy năm trước anh lấy hàng ở Củ Chi hoặc ở Dĩ An nhưng lan ở đó mua về bán chậm, còn lan ở đây dễ bán, có khi chở về chưa tới nhà là bán hết. Anh Bảo đem 1 chậu lan giải thích: “Chú thấy không, nhành lan ở đây to khỏe trông rất đẹp mắt. Mấy cành này khi nở ra bông rất đều, lâu tàn, khách hàng rất mê. Còn những nơi khác khi mua về chỉ mấy ngày sau tàn hết, bông không đều, không đẹp”. Mỗi chậu lan anh Bảo lấy với giá 35.000 đồng, vậy mà bán ra thị trường 50.000 đồng vẫn hài lòng khách hàng.
Dạo một vòng vườn hoa, chúng tôi thử đếm cứ mỗi mét vuông trồng khoảng 60 chậu hoa. Chủ vườn hoa khéo đến mức mỗi chậu hoa ra đúng 3 cành, mỗi cành từ 10 đến 14 bông, tất cả các nhành hoa, bông hoa đều nhau như anh em song sinh. Trong 60 chậu hoa nếu bán bông thì cũng thu về 1,8 triệu đồng, còn bán chậu thu về cũng trên 2 triệu đồng/m2.
Lời kết
Qua tìm hiểu, được biết chủ TT thật ra tên Mai Quốc Thái, một trong những hội viên Hội Hoa lan TP.HCM. Một người không chỉ giỏi về trồng lan mà là người rất am hiểu thị trường lan. Còn anh Nguyễn Thanh Lâm là chàng rể, một kỹ sư chuyên ngành điện nhưng vì đam mê hoa kiểng được nhạc gia giao quản lý việc phát triển vườn lan ở Minh Hòa. Anh Lâm cho biết: “Quê tôi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhà đất đâu có rộng nhưng có bao nhiêu diện tích ba tôi đem trồng lan hết. Trồng vừa để vui, vừa để bán, nhiều năm nay chúng tôi có khách hàng tiêu thụ ổn định”.
Mới 32 tuổi, không phải chuyên môn, vậy mà anh Lâm rất sành sỏi nghề lan: “Muốn thành công với lan phải có đôi mắt của một nghệ nhân, am hiểu thị trường. Thị trường gồm có thị trường tiêu thụ và loại lan thị trường thích. Mấy năm trước đây thị trường ưa lan hồ điệp nhưng nay họ chuyển qua lan dendrobium, dòng sonia và mokara. Với chúng tôi chọn loại lan denrobium với lý do dễ trồng, dễ đầu tư chăm sóc, dễ tiêu thụ”.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp thu bạc tỷ đồng/ha như: cà chua Phú An, rau An Thái và chuyện trồng lan thu bạc tỷ đồng/ha không còn là chuyện mới. Nhưng đây là những mô hình cần nhân rộng, nhất là trong điều kiện chính sách nông nghiệp đô thị đang mở ra. Xa hơn nữa dù là cây gì, con gì nhưng lại rất cần cho chúng có một pháp nhân, một thương hiệu rõ ràng để chúng đường đường chính chính hội nhập không những thị trường trong nước mà còn ra quốc tế.
HÒA NHÂN