Làm mẹ đơn thân, nên chăng?
“Không chồng mà chửa mới ngoan / Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường...”. Câu “triết lý” của bà Hồ Xuân Hương dường như đang ngày càng trở nên phổ biến khi xu hướng làm mẹ đơn thân được khá nhiều chị em ủng hộ. Các bà mẹ đơn thân này không nằm trong số những chị em đã có gia đình rồi ly dị mà ở các chị em yêu mà không muốn cưới, muốn có con nhưng không thích bị ràng buộc bởi cuộc sống hôn nhân.
Tự lập kinh tế
Việc lựa chọn và chấp nhận làm mẹ đơn thân chủ yếu rơi vào những phụ nữ có khả năng tự lập về kinh tế. Chị Thu Huyền (33 tuổi) là một nhân viên của công ty truyền thông tại TP.HCM, sống tự lập. Chị tự nhận mình là người có “chút xíu” sự nghiệp và cuộc sống khá ổn định. Chị tâm sự rằng: “Trước đây, tôi cũng từng yêu và yêu hết mình. Người ấy cũng yêu tôi và chúng tôi đã dự định đám cưới. Nhưng vì nhiều lý do tôi và người ấy chia tay. Sau đó, tôi đã có một cuộc sống thanh thản sau khi chia tay người yêu cũ, tôi sống cho mình, gần 3 năm như thế. Hai người vẫn gặp nhau và chúng tôi vẫn còn tình cảm, nhưng bây giờ tôi không còn quan tâm anh làm gì, đi với ai, yêu ai. Chỉ là tôi vẫn còn tình cảm hay tình nghĩa gì đó mà tôi cũng không định nghĩa được. Và chúng tôi lại đến với nhau, vượt qua giới hạn của những người bạn và cũng không phải là những người yêu nhau. Và bây giờ anh là cha của đứa bé đang lớn dần trong tôi... Tuy nhiên, đám cưới là điều tôi không hề mong muốn vì điều tôi đánh mất chính là lòng tin nơi anh!”.
Khác với Thu Huyền, chị Sim là thạc sĩ tại một trường đại học ở TP.HCM, sau nhiều lần thất bại trong tình yêu đã “trốn chạy” quá khứ để sống và học tập tại Úc nhưng cũng không “cứu vớt” được nỗi đau, không còn tin ở đàn ông. Người phụ nữ này muốn được làm mẹ đơn thân bằng cách thụ tinh nhân tạo. Cô sợ bị phản bội, sợ lấy chồng rồi phải đối mặt với nguy cơ ly hôn, đổ vỡ niềm tin, lo bị chồng phụ bạc. Ngược lại với ý định không muốn lập gia đình, cô gái này lại có một mong muốn được làm mẹ, được nuôi dạy đứa con của chính mình mà không cần biết đến người cha của con mình.
Đó là hai trường hợp, đại diện cho hai lý do điển hình khi chị em muốn “trốn chạy” hôn nhân và tìm đến một giải pháp giúp thỏa mãn vui cùng con cái.
Mẫu tử không thể thay được phụ tử
Việc làm mẹ đơn thân nằm trong một xu hướng toàn cầu. Đó là sự gia tăng số người độc thân (cả nam và nữ) trong xã hội. Nó nằm trong 3 xu hướng toàn cầu: Ngoại tình tăng, ly hôn tăng, vì vậy mà độc thân tăng. Hôn nhân hiện đại với một số người có quá nhiều rủi ro, Việt Nam cũng đang nằm trong xu thế chung đó. Ai đó đã nói: “Hôn nhân cần phải có tình yêu nhưng hôn nhân lại như một sợi mì ống, rất ngon và hấp dẫn. Nhưng nếu ăn hàng ngày sẽ khiến ta trở nên chán ngán. Do vậy sẽ không còn tình yêu trong đời sống gia đình nữa. Khi đó sẽ nảy sinh hiện tượng “ông ăn chả, bà ăn nem”.
Theo ý kiến chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Tổng đài 1088) thì hiện tượng nhiều phụ nữ tự nguyện làm mẹ đơn thân cho thấy, họ bị mất lòng tin vào hôn nhân, đặc biệt với những phụ nữ có học thức và điều kiện kinh tế. Họ nhìn thấy những người có chồng bị bất hạnh nhiều, sự ghen tuông của người chồng, hạn chế sự nghiệp của họ, nhất là đàn ông Việt còn chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, vẫn đòi dạy vợ, “phu xướng phụ tùy” (chồng nói vợ phải theo). Nhiều ông chồng gia trưởng áp đặt, bạo hành vợ dẫn đến ly hôn gia tăng.
Tuy nhiên, trước khi quyết định sinh con không cần chồng, người phụ nữ nên nghĩ về tâm lý của trẻ khi thiếu vắng tình cha. Các bà mẹ trẻ hiện đại có thể cho con đầy đủ vật chất, nhưng tình phụ tử thì họ không thể cho con được. Hôn nhân là một ràng buộc lớn nhưng hôn nhân tạo nên nền tảng gia đình. Trẻ sẽ nhìn vào cuộc sống gia đình và dần hình thành nhân cách lối sống.
THU THỦY