Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
(BDO) Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xuất hiện nhiều gương nông dân vượt khó, mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại đem lại nguồn thu nhập cao. Mô hình kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi heo rừng lai của hội viên nông dân Lê Văn Tiếp (sinh năm 1970) ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng là một điển hình.
Anh Lê Văn Tiếp chăm sóc vườn cao su của gia đình Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Năm 1988, anh Tiếp (quê Thái Bình) vào Bình Dương lập nghiệp tại xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. Những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, anh Tiếp gặp nhiều khó khăn vì không có người thân, không nghề nghiệp ổn định. Sau đó, anh được nhận vào làm công nhân ở Nông trường Cao su Long Hòa thuộc Công ty Cao su Dầu Tiếng. Năm 1991, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ tại Sư đoàn 5, Quân khu 7. Năm 1994, xuất ngũ trở về địa phương, anh tiếp tục công tác tại nông trường. Dành dụm được một khoản tiền, anh mua 2 ha cao su để làm kinh tế gia đình. Anh còn trồng xen canh thêm khoai mì, đậu phộng… để lấy ngắn nuôi dài. Dần dần, anh đã phát triển diện tích cao su lên 4 ha.
Năm 2009, sau khi nghỉ theo chế độ, anh Tiếp quyết định xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Từ năm 2011, mủ cao su có giá cao và ổn định nên thu nhập của gia đình anh tăng lên đáng kể. Với số vốn tích góp được, anh đầu tư mở cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên diện tích đất vườn của gia đình.
Khi công việc kinh doanh ổn định, anh Tiếp đầu tư mô hình nuôi heo thịt và heo rừng lai. Từ 2 con heo rừng lai và 6 con heo thịt ban đầu, đến nay anh đã phát triển đàn heo lên đến gần 100 con. Đầu tư vào chăn nuôi, anh vừa tận dụng thức ăn thừa, phụ phẩm vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khu chuồng trại được anh thiết kế nằm kề nhau với hệ thống nước, vệ sinh, thức ăn khoa học, tiện lợi. Đối với đàn heo mẹ nuôi con, anh cho ở riêng từng chuồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi heo rừng lai, anh Tiếp cho biết, heo rừng lai vẫn giữ lối sống bầy đàn, thích vận động ở không gian rộng, thích ủi đất. Tuy vẫn giữ những đặc tính hoang dã của heo rừng nhưng do đã được thuần hóa nên heo rừng lai thuần tính, có thể tiếp cận để chăm sóc. Thời gian nuôi heo rừng lai đến khi xuất chuồng tương đối dài, hơn 6 tháng, khi xuất chuồng đạt khoảng 30 - 50kg/con.
Ngoài ra, đối với diện tích trồng cao su tái canh, anh Tiếp trồng xen canh cây khoai mì để tận dụng diện tích đất khi cây cao su mới phát triển những năm đầu. Với 2 ha khoai mì giống cao sản trồng xen canh, mỗi vụ kéo dài 3 tháng có thể mang lại doanh thu gần 100 triệu đồng/năm. Anh Tiếp còn nghiên cứu chọn thêm được những loại giống mì mới, có hàm lượng tinh bột cao và cho năng suất cao.
Anh Tiếp tâm tình, để nuôi, trồng thành công bất kỳ con gì, cây gì cũng đòi hỏi người nuôi phải cần cù, chịu khó và có kỹ thuật nhất định. Bên cạnh đó, phải chọn được con giống đã được kiểm nghiệm và nhân rộng, tốt nhất là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và tự mình nhân giống...
Hiện trang trại tổng hợp của anh Tiếp đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua anh còn thường xuyên giúp đỡ bà con địa phương về vốn, kinh nghiệm để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Vừa qua, anh Tiếp vinh dự là một trong những nông dân điển hình được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016.
QUỲNH NHIÊN