Làm gì để hạn chế hệ lụy từ rượu, bia? – Kỳ 3

Thứ năm, ngày 11/07/2019

(BDO) Kỳ 3: Chung tay ngăn chặn “ma men” lái xe

Sau khi “chén chú, chén anh”, tài xế vẫn thản nhiên điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm. Hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra, ngành công an đã tổ chức tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Công tác tuyên truyền cũng được các đơn vị thực hiện để hội viên, đoàn viên, sinh viên, người lao động… tránh những vi phạm uống rượu, bia rồi lái xe. 

Uống vài ly bia bị phạt hàng chục triệu đồng

Với nhiều lý do để nhậu vào những dịp tiếp khách, lễ, ngày nghỉ…, một số người uống rượu, bia thường tự lái xe sau khi no say ở các đám tiệc. Chứng minh cho thực tế này, chúng tôi đã theo chân tổ kiểm tra nồng độ cồn Công an TP.Thủ Dầu Một do đồng chí Thân Hoàng Thọ, tổ trưởng tổ tuần tra trong những ngày cuối tuần. Theo ghi nhận, chỉ trong 1 vài giờ đồng hồ đo nồng độ cồn những người có dấu hiệu sử dụng rượu, bia, không ít trường hợp có nồng độ cồn vượt quy định. Khi được kiểm tra, lập biên bản xử phạt ai cũng có lý do tại sao lại say; nhiều trường hợp cho rằng do sức khỏe không tốt nên mới uống 1 chai bia đã đo được nồng độ cồn vượt mức quy định.

Trên tuyến đường Ngô Gia Tự, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn anh N.H.S. bằng cách yêu cầu anh thổi vào ống đo nồng độ cồn. Khi máy đo nồng độ cồn kêu tít tít cũng là lúc máy báo kết quả nồng độ cồn đo được của anh S. là 0,707mg/lít khí thở. Anh S. thừa nhận có uống bia nhưng uống không nhiều. Anh S. sống tại TP.Hồ Chí Minh, hôm nay về quê nội ở Bình Dương ăn đám giỗ nên có uống vài ly bia. Khi lực lượng chức năng đưa anh xem mảnh giấy xác nhận nồng độ cồn vừa in ra từ máy đo, yêu cầu ký biên bản và thông báo mức phạt trên 3 triệu đồng đãkhiến anh choáng váng.


Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản những trường hợp có nồng độ cồn vượt quá quy định

Có những trường hợp khi tổ kiểm tra yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra vì có dấu hiệu sử dụng rượu, bia họ đã chống đối, không hợp tác. Khi lực lượng tuần tra yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, chủ phương tiện lái xe máy hiệu Exciter phóng nhanh với tốc độ chóng mặt nhằm để thoát thân. Với biện pháp nghiệp vụ, đội kiểm tra đã khống chế và đưa người điều khiển xe máy về kiểm tra. Khi kiểm tra nồng độ cồn máy báo 0,575mg/lít. Kiểm tra giấy tờ xe, anh N.V.N. không xuất trình được vì đây là xe mượn và chưa có bằng lái do chưa đủ 18 tuổi. Chưa đủ tuổi để điều khiển xe phân khối lớn cộng với nồng độ cồn vượt mức quy định, chống đối người thi hành công vụ, công an đã lập biên bản xử phạt N. và tạm giữ xe.

Kiểm tra nồng độ cồn không phải trường hợp nào cũng chấp hành ngay. Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đã được tổ kiểm tra hướng dẫn thổi vào máy đo nhưng viện lý do để không hợp tác. Có những trường hợp, đội kiểm tra phải nhắc nhở nhiều lần người điều khiển phương tiện mới chịu hợp tác. Nhiều người ngậm ống đo nhưng mãi mà máy kiểm tra nồng độ cồn vẫn không “bắt” được hơi thở do nín thở. Cũng có trường hợp say đến đứng không vững, người sặc mùi bia nhưng vẫn quanh co là không uống rượu, bia.

Ngăn chặn kịp thời

Theo chân đội kiểm tra nồng độ cồn mới thấy được cái khó của những người làm công tác ngăn chặn “ma men” điều khiển phương tiện giao thông. Khó nhưng lực lượng cảnh sát giao thông các huyện, thị, thành phố vẫn miệt mài phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Từng đợt ra quân của tổ kiểm tra nồng độ cồn của công an tỉnh, công an huyện, thị là những việc làm thiết thực trong kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh do Ban An toàn giao thông và Công an tỉnh ban hành.


Đội kiểm tra Công an TP.Thủ Dầu Một đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên tuyến đường Ngô Gia Tự, phường Chánh Nghĩa

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết chỉ riêng quý I-2019, toàn tỉnh xảy ra 370 vụ tai nạn giao thông làm chết 72 người, bị thương 389 người, hư hỏng 669 phương tiện. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do thiếu chú ý quan sát; sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông… Đây là sự thiệt hại lớn về người và tài sản cho gia đình, xã hội không có gì có thể bù đắp được. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền sẽ được triển khai thường xuyên nhằm giáo dục ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, chủ yếu là thanh thiếu niên, công nhân, sinh viên, học sinh, các chủ doanh nghiệp vận tải… Song song đó, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ cũng được chú trọng và triển khai thực hiện.

Nói không với rượu, bia khi lái xe

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết “thượng đế” tại các quán nhậu đa phần là những người trẻ tuổi. Vui uống, buồn uống, tìm được người yêu mới thì uống chúc mừng, chia tay bồ thì bạn bè đi uống chia sẻ nỗi buồn, không có người yêu thì “hội độc thân” nâng cốc dốc bầu tâm sự… Chính vì vậy đây là những đối tượng cần được tuyên truyền sâu rộng để thấy được hệ lụy mà rượu, bia gây ra cho sức khỏe, tính mạng bản thân và những người xung quanh khi tham gia điều khiển giao thông sau khi đã “quá chén”.

Pháp luật không có quy định cấm người dân uống rượu, bia nhưng cấm người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Cụ thể là cấm tuyệt đối tài xế đã uống rượu, bia điều khiển ô tô; cấm người uống, rượu, bia có nồng độ cồn vượt quá quy định chạy xe máy…

Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Diễm Trinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết thời gian qua, Đoàn Thanh niên các cấp đã tích cực tuyên truyền, giáo dục đoàn viên thanh niên chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, xây dựng các tiêu chí cơ bản về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông như: Đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, không chở quá số người quy định, khi tham gia giao thông phải có đầy đủ giấy tờ quy định, tham gia giao thông khi đã đủ tuổi... Vì vậy, hiện nay khi lưu thông trên đường chúng ta dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh đẹp, có văn hóa của đoàn viên thanh niên khi tham gia giao thông, như: Đi đúng phần đường quy định; không lạng lách, đánh võng; đỗ xe đúng nơi quy định; không uống rượu, bia khi lái xe…

Tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, không uống rượu, bia khi lái xe cũng đã có những sáng tạo, mang dấu ấn riêng. Cụ thể như trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… Từ đó, nhận thức, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và hành vi ứng xử trong giao thông của học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến.

Đối với công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có văn bản chỉ đạo công đoàn cơ sở tuyên truyền qua mạng xã hội, loa phát thanh của doanh nghiệp... Từ đó, tác động trực tiếp vào ý thức người lao động không vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; không uống rượu, bia khi lái xe.

Từ những cách làm sáng tạo của từng đơn vị đã và đang góp phần lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe” nhắc nhở mọi người ý thức tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là nói không với rượu, bia khi lái xe để từ đó cùng chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông vì một xã hội văn minh, an toàn với khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”.

Theo kế hoạch từ nay đến tháng 12-2019, lực lượng chức năng sẽ tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Địa bàn tập trung kiểm tra là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường nội ô, các tuyến đường có nhiều điểm vui chơi, quán ăn, nhà hàng, khu vực phức tạp về an ninh trật tự, ma túy.

THIÊN LÝ

 Kỳ cuối: Cùng nhau hành động