Làm điện từ...rác

Thứ sáu, ngày 30/10/2020

(BDO) Tưởng chừng rác là thứ bỏ đi, ấy thế mà hiện nay tại Bình Dương lại có một nhà máy điện hoạt động bằng nguồn khí mê tan (CH4) sinh ra từ quá trình chôn lấp rác. Đó là câu chuyện đang hiện hữu tại nhà máy điện Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương. Sau 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã trở thành tâm điểm chú ý và niềm mơ ước của nhiều địa phương trên toàn quốc về công nghệ thu khí biogas từ quá trình phân hủy rác.


Nhà máy điện được đầu tư với công nghệ hiện đại, tiên tiến của châu Âu, hoạt động ổn định, góp phần tiết giảm chi phí tiền điện hơn 35 tỷ đồng sau 2 năm đưa vào vận hành

Từ ý tưởng ban đầu…

Một ngày cuối tháng 10 khi tiết trời phương Nam chớm se lạnh, chúng tôi ghé chân đến Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) để tham quan, tìm hiểu thêm về “nhà máy điện hoạt động từ rác” với công nghệ châu Âu độc nhất tại Việt Nam. Bao bọc giữa những tán rừng cao su bạt ngàn xanh là tổ hợp những module máy phát điện hoạt động bằng khí thu từ bãi chôn lấp rác tạm đã đóng cửa từ năm 2016. Trái với mường tượng của chúng tôi về những nhà máy điện ồn ào, các tổ máy phát điện tại đây được thiết kế chạy rất “êm tai”. Các tổ máy đều được đặt nằm trong các khoang được thiết kế cách âm tốt nên hầu như không hề nghe tiếng động phát ra, kể cả khi nó đang vận hành phát điện hòa lưới đưa về nhà máy sản xuất phân bón gần đó.

Tiếp và trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương - người gắn bó với “nghiệp xử lý rác” lâu năm hồ hởi cho biết những ngày đầu mới thành lập khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương, rác chủ yếu được chôn lấp tạm do hệ thống dây chuyền xử lý rác thải chưa hoàn thiện. Đến năm 2016, khi bãi chôn lấp tạm đóng cửa, không tiếp nhận rác thải thì việc ủ rác thải bắt đầu được thực hiện để tạo ra nguồn khí phục vụ cho nhà máy điện.

Với kinh nghiệm “lão luyện” trong hơn 30 năm công tác, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, đã tổ chức đội ngũ công nhân, kỹ sư bắt đầu thử nghiệm một nhà máy phát điện mini tại khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương. Thấy được tiềm năng từ nguồn khí mê tan sinh ra từ bể chôn lấp đã đóng cửa, ngay từ những ngày đầu, Biwase đã “mạnh tay” đầu tư để giải quyết được việc nước rỉ rác thoát ra môi trường bên ngoài góp phần bảo vệ môi trường cùng hệ thống thu gom khí được bố trí dày đặc. Đây cũng là quyết định quan trọng, đúng đắn để chuẩn bị tận thu nguồn khí làm nhiên liệu phục vụ cho nhà máy điện đang hoạt động ổn định hiện nay.

“Hệ thống ống thu gom được đặt từ dưới đáy lên tới bề mặt bãi chôn đã được công ty lắp đặt bài bản từ đầu. Đây là công đoạn quan trọng nhất để bảo đảm thu được nguồn khí đủ cung cấp cho nhà máy điện. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra mà lãnh đạo công ty đã phải bỏ công đi tham quan, học hỏi từ những nơi đã gặp phải tình trạng thiếu hệ thống thu gom khí để vận hành các tổ máy phát điện”, ông Ngô Chí Thắng nhớ lại những ngày đầu bắt tay xây dựng nhà máy.


Công nhân vận hành hoạt động hệ thống máy phát điện sử dụng nhiên liệu khí mê tan từ quá trình phân hủy rác tại bể chôn lấp rác

Năm 2016, một cỗ máy phát điện chạy bằng khí biogas đã qua sử dụng có công suất 40kW được Biwase mua với giá hơn 40 triệu đồng và được đưa vào vận hành thử nghiệm. Dù chưa có hệ thống lọc, bơm để thu gom và phân tách khí nhưng lượng khí từ hệ thống ống do công ty tự nghiên cứu thiết kế trước đó đưa về mỗi ngày đã đạt khoảng 100m3. Lượng khí này “dư sức” để vận hành, chạy thử nghiệm cỗ máy phát điện với công suất khiêm tốn 40 - 50kW. Như vậy là ý tưởng về sản xuất điện từ rác được ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân dành nhiều tâm huyết đã dần thành hiện thực. Họ cùng “phôi thai” cho ra đời một nhà máy điện hoạt động thông qua tận thu nguồn khí mê tan từ bãi chôn lấp, góp phần chung sức bảo vệ môi trường và đem lại lợi ích kinh tế với việc tiết kiệm, làm lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng.

…đến nhà máy triệu đô

“Đầu xuôi, đuôi lọt”, với kết quả ban đầu, Biwase đã có bước đi quan trọng, đủ tự tin, đón đầu cơ hội để biến những ý tưởng trở thành hiện thực. Ngay sau đó, năm 2017, dự án xây dựng “Nhà máy điện Biwase” tận thu nguồn khí mê tan từ bãi chôn lấp rác tạm tại khu liên hợp đã được khởi động trên nền tảng công nghệ châu Âu với các tổ máy, thiết bị được nhập khẩu chủ yếu từ Đức. Nhà máy điện có trị giá 70 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD) đã chính thức hình thành, xóa tan nghi ngờ của nhiều người. “Hiện nay, mỗi ngày việc bơm thu khí về ước được khoảng 500m3 để cung cấp cho nhà máy điện. Lượng khí mê tan khi bơm thu về chỉ đạt 50 - 60%, phải qua công đoạn phân tách hơi nước nhằm loại bỏ hơi nước, tạp chất để đạt tỷ lệ 85% mới đủ chất lượng để cung cấp cho các máy phát điện hoạt động ổn định”, ông Thắng chia sẻ về những thông số kỹ thuật để vận hành các máy phát điện.

Hiện tại, nhà máy điện tại Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương đã cho công suất 2.320kW. Tiếp đà thuận lợi, Biwase mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật xử lý rác làm nhiên liệu vận hành nhà máy điện, qua đó góp phần nâng công suất, sản lượng điện từ xử lý rác thải mỗi năm. Theo tính toán của các chuyên gia, sau từ 4 - 5 năm, giá trị sản lượng điện sẽ tương ứng với số vốn đầu tư ban đầu. Thời gian bãi chôn lấp rác có thể sinh ra khí mê tan kéo dài trong 20 năm và đỉnh cao “vàng son” để thu khí phục vụ sản xuất điện kéo dài từ năm thứ 5 đến năm thứ 10 sau quá trình chôn lắp. Đây quả là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, khi đã có được thành công từ việc sản xuất điện từ rác, lãnh đạo Biwase không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh, thành trong cả nước về mô hình và sẵn sàng đón tiếp cơ quan, đơn vị đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Có thể nói, việc sản xuất điện từ quá trình tận thu triệt để khí mê tan từ bãi chôn lấp rác là bài toán “lợi cả đôi đường” khi vừa giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường, giảm tác nhân gây biến đổi khí hậu đồng thời góp phần giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Năm 2018, tổng công suất phát điện của nhà máy đạt 9,1 triệu KVA, tương đương số tiền tiết kiệm 15,3 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng công suất phát điện đạt 11,4 triệu KVA, tương đương số tiền tiết kiệm được 19,9 tỷ đồng. Nếu làm phép tính đơn giản sau 2 năm vận hành “nhà máy điện” của Biwase đã thu hồi được khoảng 50% giá trị đầu tư ban đầu.

 MINH DUY