Làm cộng tác viên dân số vì muốn giúp bà con
(BDO) Đó là lời tâm sự của ông Đỗ Văn Quân (ảnh), cộng tác viên (CTV) dân số (DS) khu Bình Hòa 2, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên khi trao đổi với chúng tôi. Từ ngày nhận làm CTV DS, bằng kiến thức và kỹ năng của mình, ông đã giúp cho rất nhiều bà con lối xóm, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong lứa tuổi sinh đẻ có thêm nhiều kinh nghiệm để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngày càng tốt hơn.
Năm 2010, ông Quân bắt đầu bén duyên với công tác DS. Lúc đó, công tác DS ở khu phố thiếu người làm nên việc vận động bà con ở địa phương thực hiện kế hoạch hóa gia đình còn nhiều khó khăn. Dân cư đông, nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên. Thời điểm này, chủ yếu là vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 -2 con”. Để có kiến thức, kỹ năng đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện công tác DS-KHHGĐ, ông đã tham gia tập huấn, học về công tác truyền thông. Sau khi được trang bị kiến thức, ông luôn đeo bám địa bàn, quan tâm đến đời sống bà con để vận động họ sinh đẻ có kế hoạch, sinh thưa để có thời gian chăm sóc con cái tốt hơn. “Ngoài CTV DS, tôi còn làm CTV dinh dưỡng, y tế thôn bản nên khi đi vận động tôi thường kết hợp, cung cấp thêm cho bà con những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ để trẻ phát triển về chiều cao, ít ốm đau... Từ chỗ ngại ngần vì không quen biết, nhưng bằng sự quan tâm, nhiệt tình tuyên truyền vận động, họ đã dần trở thành thân quen với mình hơn, việc vận động từ đó cũng trở nên dễ dàng hơn...”, ông Quân nói.
Phụ cấp ít ỏi, lại là đàn ông nhưng ông Quân đã chọn công việc này để gắn bó, bởi theo ông, từ những việc làm nhỏ này sẽ góp phần xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển hơn. Ông Quân chia sẻ: “Nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là đối tượng tạm trú tại địa phương họ phải đi làm cả ngày nên ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như gia đình. Mình phải canh chừng nào họ rảnh, được nghỉ để đến tuyên truyền. Để tuyên truyền hiệu quả, phải bám sát đối tượng từ khi họ chưa lập gia đình để tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, đến khi có gia đình thì tuyên truyền về thực hiện KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và thai nhi, con nhỏ... Lúc chưa biết, họ thường ngại, nhưng mình cứ kiên trì vận động, lần đầu không được thì mình đến lần hai, lần ba... dần dần họ cũng hiểu ra và hợp tác với mình”.
Ông Quân cho rằng, ông gắn bó với công việc này vì muốn giúp bà con lối xóm có thêm những kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển. “Gia đình là tế bào xã hội”, mỗi gia đình đều thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ thì xã hội cũng sẽ phát triển phồn vinh hơn.
CẨM LÝ