Làm cho môi trường sạch, đẹp hơn năm 2011: Phong phú, đa dạng mô hình

Thứ năm, ngày 05/01/2012

Sở Tài nguyên và Môi trường: Đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác BVMT

Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra với nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, thế nhưng, BVMT đã và đang đứng trước thách thức ngày càng gay gắt, phức tạp hơn. Bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), khẳng định: để MT sạch, đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh nhà, các cấp, các ngành và đoàn thể cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực cho công tác quản lý MT, nhất là ở cấp huyện, thị, xã, phường. 

Trồng một cây xanh là góp phần BVMT. Trong ảnh: Tuổi trẻ TX.Dĩ An trồng cây làm xanh khuôn viên trường học nhân lễ phát động ngày chủ nhật xanh

Xác định nhiệm vụ đó, từ năm 2009 đến nay, cán bộ, nhân viên làm công tác BVMT cấp xã đã được đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, cán bộ có chuyên ngành quản lý MT hoặc các chuyên ngành khác liên quan vẫn còn ít. Do đó, để tạo điều kiện cho các cán bộ và nhân viên cấp cơ sở đang công tác đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, thực hiện tốt chức năng phát hiện và giám sát MT cơ sở, liên Sở TNMT - Nội vụ - Tài chính đã phối hợp với Trường Cao đẳng TNMT TP.HCM thuộc Bộ TNMT tổ chức thi tuyển lớp Cao đẳng QLMT. Kết quả có 79 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 59 cán bộ và nhân viên làm công tác BVMT cấp cơ sở, 9 cán bộ hợp đồng lao động thuộc Chi cục Thú y của tỉnh.

Sau thời gian học, đến nay các sinh viên đã được trang bị các kiến thức về cơ sở ngành như: cơ sở khoa học MT; xử lý số liệu MT, ô nhiễm MT, sinh thái học, vi sinh MT... và các kiến thức về Luật MT, quản lý MT, kinh tế MT, ứng dụng mô hình hóa trong quản lý MT, quan trắc và phân tích MT, truyền thông MT... Với những kiến thức nền tảng đó, nguồn nhân lực này sẽ đáp ứng nhiệm vụ về quản lý MT, góp phần vì sự phát triển bền vững ở địa phương.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Nhiều mô hình tuyên truyền ý nghĩa và thiết thực

Cuộc thi viết “Sáng kiến BVMT và quản lý, sử dụng tài nguyên đất” là một trong những mô hình thu hút đông đảo chị em tham gia. Với 10.500 bài của cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tập trung vào các nội dung: vì sao phải trồng rừng và bảo vệ rừng; BVMT tại nơi công cộng; những biện pháp bảo vệ nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; vai trò của rừng trong việc biến đổi khí hậu... Qua đó, đánh giá hiện trạng MT để đưa ra những sáng kiến BVMT. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: thông qua cuộc thi, nhiều vấn đề về BVMT ở từng địa phương đã được nêu bật. Qua đó, nhiều chị em đã nâng cao hiểu biết về những tác hại của ô nhiễm MT và có những hành động cụ thể cải thiện MT.

Không chỉ thế, thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, các cấp hội còn phát động cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và đã phát huy hiệu quả, cụ thể hóa với 2 mô hình câu lạc bộ (CLB) gia đình “5 không, 3 sạch”, 40 tổ “PN tự quản BVMT”, 2 CLB “PN tham gia BVMT”... Chị Nguyễn Từ Thiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Thạnh (TX.Thuận An) nói, việc vận động chị em tham gia BVMT trở thành việc làm thường xuyên của hội. Mỗi năm, ngoài các đợt ra quân rầm rộ của chính quyền địa phương, hội cấp trên, Hội LHPN thị trấn còn chọn các ngày 8-3, 20-10 để ra quân làm vệ sinh (MT), trồng cây xanh... Với các phong trào “Mỗi nhà có một sọt rác”, “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, giúp cho vệ sinh MT ở địa phương ngày càng được bảo đảm.

Mô hình tổ tự quản BVMT: Ngày càng nhân rộng

Từ một mô hình tổ tự quản ở khu phố 3, phường Hiệp Thành (TX.TDM), giờ đây, toàn tỉnh đã có 14 mô hình tổ tự quản BVMT gắn với cộng đồng ở khu ấp, với 150 người tham gia/tổ. Với chức năng của mình, các tổ luôn chú trọng công tác tuyên truyền bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp, đồng thời đề ra các quy chế, quy ước của cộng đồng về BVMT... Nhờ vậy, khu ấp nào cũng có 100% hộ dân ký cam kết thực hiện BVMT. Theo đó, mỗi hộ đều sử dụng thùng rác được mô hình trang bị, đổ rác theo giờ quy định và đóng tiền thu gom rác đầy đủ. Ngoài ra, từng hộ đều nhận thức và tự giác dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn hẻm xanh, sạch, đẹp...  Vì thế, công tác BVMT tại các khu ấp ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Đạt được kết quả này, bằng nhiều hình thức tập huấn, hội thảo, mít tinh, các đoàn thể, mặt trận phối hợp với ngành TNMT tổ chức 72 lớp tập huấn về BVMT với hơn 5.000 lượt người dự, tổ chức 10 cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày MT thế giới hay Tuần lễ quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường với hơn 15.000 lượt người dự, góp phần công tác BVMT ở khu dân cư có nhiều chuyển biến và đi vào cuộc sống người dân.

Với nhiều phương thức đào tạo và mô hình tuyên truyền bằng hình thức xã hội hóa, năm 2011, Bình Dương ngày càng có môi trường sạch, đẹp hơn, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.

N.HOÀI - M.HUY