Làm cách nào để giải bài toán ‘ách tắc’ về phát triển nhà ở xã hội?
(BDO)
Ảnh minh họa.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị, nhà ở công nhân, sinh viên, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đây là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội đồng thời bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết.
Phiển triển nhà ở xã hội vẫn gặp khó
Chia sẻ với báo chí ngày 31/5, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể và chi tiết để các đơn vị triển khai đầu tư nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận khi theo dõi triển khai luật nhà ở và các nghị định, thông tư hướng dẫn đầu tư vào nhà ở xã hội thì có một số nhóm chính sách khiến các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn khi đầu tư, tiếp cận nhà ở xã hội.
Đơn cử như việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội, nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.
Cụ thể, trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí “đất vàng” hoặc đặc thù như resort trên triền núi cao, thì việc bố trí quỹ đất này để phát triển nhà ở xã hội là không phù hợp; các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60-80 triệu/m2 thì bản thân việc bố trí người thu nhập thấp, chỉ phải chịu tiền vận hành cũng khó khăn cho họ.
“Theo con số chúng tôi nắm bắt được, hiện nay chúng ta mới đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về nhà ở xã hội,” ông Hưng lưu ý.
Về thủ tục đầu tư, theo ông Hưng, hiện nay pháp luật quy định trình tự làm nhà ở xã hội không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều hơn.
“Với chính sách hỗ trợ chủ đầu, dù luật có quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp khoảng 50%, được ưu đãi tiếp cận vốn, nhưng chúng tôi thấy rằng các chính sách chưa thực chất. Bởi vì, mấu chốt quy định là dù có ưu đãi nhưng chủ đầu tư khi áp dụng ưu đãi thì không được tính vào giá bán,” ông Hưng thẳng thắn chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý vấn đề tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội như về nguồn tài chính hiện nay vẫn còn vướng mắc.
“Theo như báo cáo cả giai đoạn từ năm 2016-2021, chúng ta mới bố trí được nguồn vốn tín dụng 3.163 tỷ đồng trên nhu cầu khoảng 9.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cấp cho vay đối tượng người mua. Còn đối tượng chủ đầu tư thì đến nay chúng ta chưa bố trí được, gần đây mới có gói 120.000 tỷ đồng để bố trí cho chủ đầu tư,” ông Hưng nói.
Trong phiên làm việc chiều 31/5, báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ này đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng; ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói này và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như: Bắc Giang 4.527 tỷ đồng, Hải Phòng 3.892 tỷ đồng, Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng.
“Thực tế các địa phương mới triển khai được hơn tháng và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu,” ông Ngị nói.
Thúc đẩy gói tín dụng, tăng nhà ở giá rẻ
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ trên, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như: tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.
Về phía địa phương, ngày 31/5, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), cũng nêu ý kiến đề xuất: Trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại. Trường hợp có đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội thì cần có quy định riêng, bởi hiện nay trình tụ thủ tục này mất 2 năm.
“Thứ hai là cần phải rà soát, bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết, đối với triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, cái gì không nhất thiết phải có thì bỏ ngay. Bởi vì đối với nhà ở xã hội, doanh nghiệp hưởng lợi tức chỉ 10% là tối đa, không giống như dự án thương mại khác,” ông Thành nói.
Ngoài ra, địa diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị về thủ tục giải phóng mặt bằng cần có quy định giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ, vì đây là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội.
“Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, cũng không nên có quan niệm là nhà ở xã hội mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn,” ông Võ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Võ, chính sách về nhà ở cần đi kèm với cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi mới tạo nên tổng thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ./.
Theo TTXVN