Lại tăng viện phí!
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết hiện đã có 14 tỉnh, thành đề xuất điều chỉnh tăng viện phí. Trước đó, TP.HCM cũng đã phê duyệt quyết định điều chỉnh một phần giá các dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn từ ngày 1-6. Dẫu biết tăng viện phí là chuyện tất nhiên và nằm trong lộ trình có sự tính toán chi li từ ngành chức năng, nhưng đây vẫn là tin buồn đối với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo!
Nói tất nhiên là bởi trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều tăng thì tăng viện phí là việc phải làm, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh viện khi xây dựng mức viện phí đều muốn tăng nguồn thu để tránh phải xin ngân sách bù lỗ cho bệnh viện quá nhiều. Tuy nhiên, tăng viện phí như thế nào để phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của nhiều người là điều mà các bệnh viện và ngành chức năng cần lưu ý. Bệnh viện cần có tiền để trang trải cho hoạt động, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh là hoàn toàn đúng, nhưng xem ra tăng viện phí trên mọi đối tượng khám chữa bệnh chưa phải là cách làm hay trong bối cảnh thu nhập của người dân còn có sự chênh lệch lớn như hiện nay.
Bệnh tật không chừa một ai, nhưng người càng nghèo thì bệnh tật càng nhiều! Nguyên nhân người nghèo nhiều bệnh là vì ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc suốt thời gian dài! Thống kê của các bệnh viện cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nghèo bao giờ cũng chiếm đa số. Bệnh nhân nghèo nằm viện thường ít kêu ca. Họ chấp nhận nằm chung giường hay nằm cả ngoài hành lang khi bệnh viện quá tải, cốt chỉ để được điều trị khỏi bệnh mà ít khi đòi hỏi ở bệnh viện về chất lượng dịch vụ. Nếu tăng viện phí thì liệu bệnh viện có tăng chất lượng dịch vụ và khi người bệnh nằm chung giường thì bệnh viện có tính toán giảm một nửa tiền giường?! Không nâng cấp chất lượng dịch vụ, chưa tính đúng, tính đủ các khoản thực chi mà chỉ nâng mức tăng viện phí chung chung là thiếu công bằng đối với bệnh nhân!
Một điều đáng bàn nữa là những năm gần đây do tình hình kinh tế không mấy sáng sủa nên thu nhập từ tiền lương, tiền công của người dân không tăng. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì “nhảy múa” không yên, đời sống người dân đã khó càng thêm khó và những người không may mắc bệnh càng khó khăn hơn! Tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng gánh nặng cho gia đình bệnh nhân, dồn bệnh nhân nghèo vào con đường khó khăn hơn. Cơ may để được điều trị khỏi bệnh của nhiều bệnh nhân nghèo vì vậy cũng thấp hơn...
Thiết nghĩ, song song với việc tăng viện phí, bệnh viện cần tính toán chi li hơn các khoản thực chi đối với bệnh nhân nói chung và đề xuất chính sách miễn giảm một phần viện phí cho người nghèo. Nếu ngân sách có tăng chi cho bệnh viện để bù lỗ việc điều trị bệnh cho người nghèo hay mua sắm trang thiết bị khám chữa bệnh, suy cho cùng cũng từ các khoản thuế của dân. Nói một cách khác, ngân sách có bù lỗ cho bệnh viện cũng là để thực hiện an sinh xã hội mà thôi.
LÊ QUANG