Lãi suất liên ngân hàng lên 30% kỳ hạn một tháng
Đói vốn do huy động từ dân cư sụt giảm, một số ngân hàng phải tìm đến thị trường liên ngân hàng để cứu thanh khoản, khiến lãi suất trong ngày 17-10 có lúc dâng lên tới 30% cho kỳ hạn một tháng.
Theo Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, trong ngày 17-10, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có lúc đã vọt lên 30% cho kỳ hạn 1 tháng. Các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần cũng tăng rất mạnh so với trước đó. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã lên tới trên dưới 16% một năm, 1 tuần quanh 18% mỗi năm.
Lãi suất liên ngân hàng đã dâng lên 30% kỳ hạn 1 tháng.
Đà tăng cao của lãi suất liên ngân hàng đã bắt nhịp từ mấy tuần qua. Hôm thứ bảy tuần trước, nguồn tin từ một số ngân hàng cho biết, kỳ hạn 1 tháng đã lên tới 23% một năm, cao gấp rưỡi so với huy động từ dân cư (14%).
Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB cho rằng, lãi suất liên ngân hàng chỉ phản ánh trong chu kỳ ngắn hạn vì thông thường, kỳ hạn đối với loại này chỉ 2-3 ngày. Do đó, cũng không thể phán xét cứ ngân hàng nào huy động liên ngân hàng với lãi suất cao đều có vấn đề về thanh khoản. "Có thể trước mắt họ phải vay để đảm bảo dự trữ bắt buộc hoặc giải quyết đầu ra cho những khoản đến hạn. Chuyện này cũng bình thường", ông Toại nói.
Ông này cũng cho rằng, trong lịch sử, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng đẩy lên trên 30% một năm nhưng thị trường tiền tệ vẫn bình thường. "Nếu mức tăng cứ diễn ra đều đều và liên tục theo tháng mới đáng bàn, chứ hiện tại mới diễn ra theo tuần, và lúc tăng lúc giảm tùy thị trường nên vẫn có thể an tâm", vị này nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế độc lập thì không lạc quan như vậy. Theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trường trường Đại học Kinh tế TP HCM, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu tăng nhiệt ngay từ thời điểm 8/9 và bắt đầu tăng tốc trong những ngày gần đây. Nguyên nhân đầu tiên là khi lãi suất huy động được cào bằng tối đa 14% một năm và 6% mỗi năm có thể một số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong huy động, lượng giấy tờ có giá hạn chế để có thể cầm cố, tái chiết khấu nên buộc phải vay trên liên ngân hàng với lãi suất cao.
Ngoài ra, theo ông Ngân, tác động điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10-10 cũng là một nhân tố đẩy lãi suất liên ngân hàng dâng cao. Và một khi lãi suất liên ngân hàng đã tăng cao thì nó cũng giống như cơn bệnh đã lộ ra, tức dấu hiệu lâm sàng của căn bệnh thiếu thanh khoản.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ, lý do khiến nhà băng tìm đến thị trường liên ngân hàng làm lãi suất dội lên cao, đó là nguồn vốn từ dân cư bị sụt giảm khi phải nghiêm túc thực hiện trần lãi suất. Trong khí đó, các nhà băng cũng không dễ tiếp cận được nguồn vốn qua hình thức tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Vì muốn được tái cấp vốn, ngân hàng cần cam kết giảm dư nợ mà điều này không dễ trong một sớm một chiều. "Ngân hàng phải tìm vay từ thị trường 2 để cải thiện thanh khoản trước mắt là cách làm duy nhất có thể", ông Sơn nói.
Trước đó, có ý kiến đề xuất nên áp trần lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để các ngân hàng nhỏ có thể giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng tình từ nhiều ngân hàng, đặc biệt là các “ông lớn”. Tổng giám đốc Techcombank thẳng thắn cho rằng, không nên xem xét áp dụng trần lãi suất liên ngân hàng, vì trong thời gian tới, hoạt động liên ngân hàng có thể sẽ trầm lại so với bây giờ.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng chung nhận định khi cho rằng, việc áp trần lãi suất liên ngân hàng là không nên. Việc này cũng giống như lãi suất cho vay, phải để các ngân hàng tự cân nhắc mức độ rủi ro và đưa ra những mức lãi suất phù hợp.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động từ dân cư quy về một mối, ngân hàng nhỏ không thể đủ sức cạnh tranh với đơn vị lớn hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP HCM cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn giám sát hoạt động trên thị trường 2 tương đối chặt chẽ trong suốt thời gian vừa qua. Thị trường liên ngân hàng cũng là căn cứ để cơ quan này đo được "sức khỏe" của các ngân hàng thương mại từ đó điều chỉnh thị trường mở (OMO) và áp dụng tái chiết khấu linh hoạt. Do đó, nếu có vấn đề gì trên thị trường này, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước đã có cách để xử lý, ông nhận định.
Theo VNE