Lãi suất huy động giảm, ngân hàng vẫn hút vốn tiết kiệm

Thứ ba, ngày 03/07/2018

(BDO)  Từ đầu năm đến nay, tuy mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, song tiền đồng gửi vào ngân hàng vẫn dồi dào.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Trong tuần qua, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM) khối nhà nước và cổ phần tiếp tục được điều chỉnh giảm. Theo đó, lãi suất huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank)… niêm yết phổ biến ở mức 4,1- 4,6%/năm kỳ hạn 1 đến 3 tháng; các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng phổ biến từ 5,1 -6,4%/năm. Lãi suất huy động ở các NHTM nhỏ áp dụng mức cao hơn so với NHTM lớn từ 0,1 - 0,3%/năm, tùy kỳ hạn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến ngày 29-6 cũng cho thấy, mức lãi suất huy động đang ở mức tương tự, từ 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 -6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. Về lãi suất trên thị trường, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong tuần có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,52%/năm, 0,41%/năm và 0,35%/năm, xuống còn 0,81%/năm, 1,03%/ năm và 1,66%/năm.

Những con số nói trên cho thấy, so với thời điểm tháng 3-2018, lãi suất huy động bình quân của các NHTM đã giảm thêm khoảng 0,05% ở các kỳ dưới 12 tháng. Như vậy, đến nay hệ thống các NHTM đã có 3 lần điều chỉnh giảm khung lãi suất tiết kiệm và đây cũng là xu hướng chung của nhiều NHTM hiện nay.

Gửi tiết kiệm vẫn an toàn hơn

Tình hình huy động tiết kiệm và cho vay trên thị trường tiền tệ trong 6 tháng đầu năm cho thấy, diễn biến giảm lãi suất huy động trái ngược với các dự báo từ đầu năm 2018, rằng mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng do nhiều yếu tố. Theo thông tin từ lãnh đạo một số ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn vẫn thuận lợi dù huy động tiền gửi đã điều chỉnh giảm so với đầu năm. Tại Bình Dương, theo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 6-2018, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 164.087 tỷ đồng; tổng huy động vốn ước đạt 172.731 tỷ đồng. Như vậy, hệ thống ngân hàng vẫn còn thừa vốn khả dụng 8.644 tỷ đồng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay của toàn ngành ở mức khá cao, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo xu hướng chung này, tính đến thời điểm trung tuần tháng 6-2018 tín dụng của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc đã tăng 6,16% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm nay, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, hệ thống ngân hàng đang tạm thời dư thừa vốn khả dụng.

Lý giải về việc vì sao khung lãi suất huy động của các NHTM liên tục điều chỉnh giảm, lãnh đạo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết từ đầu năm đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì dồi dào, trong khi nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các NHTM trong trạng thái dư thừa dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN Việt Nam là yếu tố kéo giảm lãi suất huy động. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào như trên, các ngân hàng buộc phải đưa vốn vào thị trường trái phiếu Chính phủ và cho vay trên thị trường liên ngân hàng để tối ưu hóa lợi nhuận từ kinh doanh tiền tệ. Tuy vậy, do kênh huy động vốn của các ngân hàng đang ở trạng thái dương nên nhu cầu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng lại tiếp tục giảm và lãi suất trái phiếu Chính phủ duy trì ở mức thấp. Nếu các ngân hàng tiếp tục đầu tư vốn trên 2 thị trường này sẽ có lợi nhuận thấp. Vì vậy, các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi để giảm chi phí đầu vào là chiến lược hợp lý trong tình hình hiện nay.

Câu hỏi đặt ra, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp như hiện nay liệu có khiến nguồn huy động của ngân hàng sẽ sụt giảm khi nhu cầu tín dụng về cuối năm sẽ tăng trong thời gian tới. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành ngân hàng, hiện gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân, bởi vì các kênh đầu tư khác như bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, chứng khoán đảo chiều giảm nhanh, vàng liên tục theo hướng giảm mạnh và ngoại tệ không còn hấp dẫn. Bên cạnh đó, NHNN, các NHTM đang định hướng đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, không khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cuối cùng là hệ thống ngân hàng đang thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và NHNN là ưu tiên mục tiêu tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư bảo đảm mức lãi suất hợp lý, ổn định và an toàn.

 Theo xu hướng chung, tính đến thời điểm trung tuần tháng 6-2018 tín dụng của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc đã tăng 6,16% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm nay, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, hệ thống ngân hàng đang tạm thời dư thừa vốn khả dụng.

 

THANH HỒNG