Lãi suất cao, vốn đi vào sản xuất cũng giảm

Thứ tư, ngày 20/07/2011

Doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh ra sao trong bối cảnh tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát? Nguồn vốn phi sản xuất được Nhà nước hạn chế...? Dưới góc nhìn của người làm công tác vun vén tài chính cho DN, Giám đốc tài chính Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Phan Thành Đức đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương về khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN trong bối cảnh hiện nay...

- Trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khiến cho lãi suất ngân hàng tăng cao, trên thực tế có thời điểm lên tới trên 20%. Ông có đánh giá thế nào về tình hình tiếp cận nguồn tài chính của các DN nói chung?

 Lãi suất cao, nguồn vốn đi vào sản xuất giảm. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương

- Với chính sách thắt chặt tiền tệ mà Chính phủ áp dụng từ đầu năm đến nay, khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các DN giảm đi trông thấy. Với các DN, do lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất - kinh doanh, giảm lợi nhuận nên các DN sẽ tìm các nguồn vốn khác để thay thế, rất cân nhắc đến việc vay vốn ngân hàng. Mặt khác, chính sách thắt chặt tín dụng, giảm dư nợ dưới 20% cũng làm cho các ngân hàng xem xét kỹ hơn các đối tượng cho vay, nhất là các DN vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính chưa tốt. Đối với các DN đã vay vốn thì khả năng tăng hạn mức cho vay từ ngân hàng để phát triển sản xuất cũng khó khăn hơn. Như vậy, vốn đi vào sản xuất đã giảm đi từ cả 2 phía, ngân hàng cho vay để DN sản xuất và DN nghiệp đi vay vốn để sản xuất.

- Khi gặp khó khăn về vốn do lãi suất tăng cao, việc sản xuất, kinh doanh của DN đã gặp phải những khó khăn cụ thể gì? Tỷ suất lợi nhuận và lãi suất ngân hàng tương quan với nhau ra sao? Lợi nhuận có bảo đảm cho việc trả lãi ngân hàng nếu như phải đi vay vốn để sản xuất?

- Vốn kinh doanh, nhất là vốn đi vay ngắn hạn là một trong những yếu tố cần thiết cho sản xuất. Đối với các DN, thông thường vốn ngắn hạn chiếm gần 70 - 80% trong tổng vốn kinh doanh và sử dụng vốn vay tỷ trọng cao thì khó khăn trong việc vay vốn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh doanh của DN. Nhất là thời điểm hiện nay, các DN xuất khẩu đang bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm. Từ đầu năm 2011 các chi phí đầu vào tăng cao và lãi vay là một trong những yếu tố chi phí đầu vào, nên khi lãi vay tăng nhất định sẽ làm giảm lợi nhuận. Riêng với Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương là một DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ nên công ty vay bằng USD, lãi suất tuy có tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, tình hình lãi suất tăng cao đã được dự báo ngay từ đầu năm 2011, công ty đã có các bước chuẩn bị để đối phó với tình hình trên, cơ cấu lại nguồn vốn của mình. Do đó, mặc dù lãi suất tăng có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhưng công ty vẫn bảo đảm có lãi và phát triển tốt. 

- Trong bối cảnh khó khăn về lãi suất, theo ông, các DN cần thực hiện các biện pháp nào để tiếp tục bảo đảm tăng trưởng trong sản xuất?

- Tôi cho rằng, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần phải thực hiện là triệt để tiết kiệm tất cả các chi phí như: nguyên vật liệu, điện, nhiên liệu... nhằm bù lại chi phí lãi suất đi vay tăng cao. Mặt khác, các DN cũng cần tiết kiệm nguồn vốn vay thông qua công tác quản trị giảm thời gian, nguyên liệu, vật tư, thành phẩm lưu kho; đàm phán với khách hàng rút ngắn thời gian thanh toán...

- Vào thời điểm này, khi lạm phát đang được kiềm chế, nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất có thể giảm dần trong thời gian tới, anh nhận định thế nào về xu hướng này?

- Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần trong tháng 5 và tháng 6 (1.09% - mức thấp nhất trong 6 tháng) cộng với các chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự báo lạm phát và lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức độ giảm không nhiều.

- Việc giảm lãi suất ngân hàng được DN mong chờ thế nào? Lãi suất giảm trong nửa cuối năm có đủ giúp các doanh nghiệp nói chung vực dậy sản xuất, bảo đảm tăng trưởng theo kế hoạch của năm 2011 này?

- Giảm lãi suất để giảm chi phí thì các DN có sử dụng vốn vay đều mong chờ, nhất là các DN vay bằng tiền đồng và có chi phí vay vốn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh doanh của các DN còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thị trường tiêu thụ, lao động, công nghệ, quản lý, vốn... Do đó, yếu tố vốn và chi phí vốn chỉ là một trong những yếu tố đầu vào và đã được dự báo sẽ tăng trước từ đầu năm 2011. Vì vậy, tôi cho rằng việc giảm lãi suất nếu có cũng chỉ tăng thêm làm cho kinh doanh của công ty được thuận lợi hơn chứ thực tế, áp lực lãi suất cao không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng của DN.

- Xin cám ơn ông.

THÀNH SƠN (thực hiện)