Lại phải nói về môn sử…

Thứ sáu, ngày 09/05/2014

Nhiều năm nay công luận đã bàn tán xôn xao về chuyện học và thi môn lịch sử. Có nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tựu trung là học sinh bây giờ rất “ngán” môn học này. Ngày 7-5 vừa qua, ngày cuối chốt danh sách đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng cho một kết quả: số học sinh lựa chọn thi môn sử đứng thấp nhất trong các môn tự chọn! Kết quả đó quả là đáng bàn và cũng rất đáng buồn.

 Đành rằng chọn môn thi nào trong các môn tự chọn là quyền của học sinh và lẽ tất nhiên môn học nào để các “sĩ tử” dễ vượt qua được ưu tiên lựa chọn là chuyện chẳng có gì khó hiểu. Nhưng với môn sử, chuyện học và thi lại không gói gọn vào ý nghĩa của một môn học thông thường. Vượt lên trên tầm mức một môn học, lịch sử, học và hiểu và tự hào là những chuyện đáng suy nghĩ về một lớp trẻ hôm nay.

Trong trào lưu thời thượng, lịch sử và cả văn, địa lý không được nhiều học sinh ưa thích. Thực tế nhiều năm qua, thí sinh chọn khối C để thi vào đại học càng về sau càng ít dần. Thậm chí có những kỳ thi đại học có hàng ngàn bài thi lịch sử nhận điểm 0. Từ kết quả đó, không ít nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề vì sao ra nông nỗi này? Đã có nhiều ý kiến cho rằng chương trình sách giáo khoa lịch sử nặng nề, khô cứng, không đủ hấp dẫn học sinh. Lại nữa, nhiều năm liền lịch sử bị xếp vào hàng môn học phụ. Từ đó cả thầy và trò đều không chú trọng môn học này. Học sinh học qua loa, giáo viên cũng thiếu tâm huyết…

Bất luận với lý do gì, với lịch sử của một dân tộc quá nhiều thăng trầm và cũng rất đỗi hào hùng, lại có một thế hệ học sinh - những người trẻ, rất trẻ - quay lưng với môn học này là chuyện đáng buồn, thậm chí là đáng lo! Trách nhiệm này là của xã hội, nhưng trước hết là của ngành giáo dục. Cùng với việc đổi mới toàn ngành, ngay tự chương trình dạy và học môn lịch sử cần phải có sự đổi mới cấp thiết.

Lịch sử dân tộc qua bao năm tháng binh đao, lửa đạn. Máu xương cha ông ngàn đời nhuộm đỏ từng tấc đất biên cương, hải đảo. Lịch sử dân tộc này không đóng khung trong những con số, ngày tháng khô cứng mà chứa đựng trong môn học này là lòng tự hào, tự tôn của dân tộc. Học sinh - thế hệ trẻ hôm nay - không hiểu lịch sử, không yêu môn lịch sử thì thật khó lòng khắc ghi truyền thống cha ông đúng nghĩa được!

Đành rằng, giáo dục truyền thống có nhiều cách, nhiều con đường, nhưng học và hiểu lịch sử có thể xem là cốt lõi trước khi tiếp cận lịch sử bằng nhiều cách khác. Đất nước vừa kỷ niệm 60 năm “lừng lẫy Điện Biên”, hơn ai hết, thế hệ trẻ phải học và phải hiểu trọn vẹn trận chiến oai hùng này để cảm nhận giá trị của độc lập. Biển trời quê hương đang “dậy sóng” bởi tàu to, súng lớn của ngoại bang, hơn ai hết, thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi sau này phải hiểu Đội hùng binh Nhà Nguyễn năm xưa đạp sóng ra khơi canh giữ biển trời Tổ quốc. Thế hệ trẻ phải học và hiểu những trận hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, Len Đao mà máu của người Việt đã nhuốm đỏ trong những năm tháng bi hùng. Lịch sử của dân tộc phải học và phải hiểu nằm ở ý nghĩa lớn lao đó.

TRIỆU PHONG