Lại “nóng” chuyện sách giáo khoa

Thứ sáu, ngày 03/11/2023

(BDO) Những ngày gần đây, vấn đề dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến ngày 20-12 đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Một lần nữa vấn đề về SGK lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo đó, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành trước đó, được áp dụng đối với bậc TH, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một trong những điểm nhấn của dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK là trao quyền chọn cho cơ sở giáo dục và quy trình lựa chọn SGK với các bước khá chặt chẽ. Vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, trong đó có các đại biểu Quốc hội vì nó phù hợp với thực tiễn, tránh được việc lợi ích nhóm thao túng để trục lợi bất chính.

Một điểm mới đáng chú ý đó là khi SGK đã được lựa chọn sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng/ Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách và có thể thay đổi. Đây là điểm hoàn toàn mới mà trước đây Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT không hề đề cập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh loại sách phù hợp hơn nếu sách đã chọn trong quá trình giảng dạy không hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cảm thấy lo ngại vì vấn đề SGK luôn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi mấy năm nay. Có thể thấy phương án nào cũng có ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, chúng ta cần có đánh giá khách quan về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để tiếp tục bàn thảo đưa ra phương án tối ưu nhất. Quá trình đổi mới nào cũng sẽ gặp những khó khăn, thậm chí tạo nên những tranh cãi của nhiều luồng ý kiến, nhiều quan điểm. Nhưng điều mà học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả xã hội trông đợi đó là toàn bộ quá trình này phải diễn ra công khai, minh bạch. Vì vậy, dự thảo thông tư mới về lựa chọn SGK rất cần nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực hơn nữa để quy trình này khi áp dụng không gây ra bức xúc hoặc những bất cập đáng tiếc.

TUỆ NHI