Lại chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”!
Những ngày qua, trên các bàn tiệc, bữa nhậu hay trong các bữa cơm gia đình nếu có thêm chung rượu, nhiều người lại nhắc đến “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Cái tên này thực sự đã và đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người, đặc biệt là “dân nhậu”! Có ai có ngờ rằng, một thanh niên khỏe mạnh, một lao động chính trong gia đình… chỉ vì uống ly rượu vui vẻ với bạn bè mà phải đổi bằng mạng sống của chính mình!
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội - Đơn vị sản xuất “Rượu nếp 29 Hà Nội”, từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh rượu. Từ năm 2009 tới nay, công ty này đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt ít nhất là 5 lần về vấn đề này. Tuy nhiên, câu hỏi khiến dư luận quan tâm là tại sao đã nhiều lần bị xử lý, nhưng công ty này vẫn hoạt động bình thường, sản phẩm rượu không đạt chất lượng vẫn được bày bán công khai, rộng rãi?! Chỉ đến khi xảy ra sự việc chết người hàng loạt thì cơ quan quản lý mới “sực tỉnh” và những người sản xuất “Rượu nếp 29 Hà Nội” mới phải tra tay vào còng! Đó chẳng qua là việc quy trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị trực tiếp sản xuất ra loại rượu nói trên, còn với các cá nhân, đơn vị quản lý thì mới khó làm sao?!
Một lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chạy tội khi nói rằng, trách nhiệm để xảy ra ngộ độc rượu thuộc về nhà sản xuất, việc phòng chống ngộ độc gặp nhiều khó khăn do thị trường rượu phức tạp, khó quản lý. Dù cơ quan chức năng thường xuyên hậu kiểm nhưng không thể phát hiện hết các sản phẩm rượu giả, kém chất lượng! Trong khi đó, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16 (Chi cục QLTT Hà Nội) thì nói rằng: “Lực lượng QLTT chỉ có chức năng kiểm tra khi hàng hóa lưu thông, việc hậu kiểm xem sản phẩm rượu có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thuộc chức năng của cơ quan y tế”.
Rõ ràng “quả bóng trách nhiệm” đang được người ta đá lòng vòng, mà nếu nói về việc QLTT hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cũng “đau đầu lắm” và toàn những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Rốt cục, người tiêu dùng phải nhận lãnh hậu quả nếu không phải là “người tiêu dùng thông thái”! Nhưng xem ra liệu có mấy người là “người tiêu dùng thông thái” khi những người thiệt mạng vì ngộ độc bởi “Rượu nếp 29 Hà Nội” cũng đã tìm mua sản phẩm của nhà sản xuất có tên tuổi, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng ghi rõ ràng ràng trên chai!?
Người ta thường nói “sống chết có số”, nhưng đó chắc hẳn chỉ là với những người không may mắn! 6 người bị thiệt mạng vì một sản phẩm đã được kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn mác chẳng lẽ cũng tại số phận? Câu chuyện về trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm có lẽ cũng chẳng khác nào vụ “Cát Tường” đã xảy ra cách nay hơn 1 tháng. Mỗi khi có người mất mạng hay vụ việc nghiêm trọng xảy ra thì các ngành liên quan lại “cuống cuồng” vào cuộc để tìm ra một người chịu trách nhiệm, rồi thôi!
Số người chết vì ngộ độc thực phẩm nói chung và vì rượu nói riêng chắc chắn sẽ không dừng lại nếu các cơ quan chức năng vẫn còn dửng dưng như vụ “Cát Tường” theo kiểu “do cơ chế”, nhất là khi cái tết đang đến gần!
HÀN NGÂN