Lạc quan về triển vọng, vốn FDI vào Bình Dương tăng cao
(BDO) 11 tháng năm 2024, Bình Dương thu hút hơn 1,8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023; ước cả năm đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ, vượt kế hoạch năm. Đáng chú ý, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượt dự án, cũng như tổng vốn đầu tư tăng thêm và giá trị vốn góp. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tăng đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Vốn FDI đứng thứ 2 cả nước
Năm 2024, Bình Dương tiếp tục phát huy lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điển hình, ngay từ đầu năm Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) công bố đầu tư thêm 97 triệu đô la Mỹ vào nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống tại Bình Dương, nâng tổng mức đầu tư của tập đoàn vào Bình Dương đến nay lên hơn 217 triệu đô la Mỹ.
Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, cho biết việc mở rộng quy mô nhà máy tại Bình Dương là minh chứng cho cam kết lâu dài của Tetra Pak tại thị trường Việt Nam kể từ khi tập đoàn bắt đầu hoạt động tại đây từ 30 năm trước. Dây chuyền sản xuất mới này dự kiến đi vào hoạt động vào quý III- 2025. “Chúng tôi tin tưởng rằng những bước tiến này sẽ cho phép chúng tôi không chỉ phục vụ các khách hàng của mình tốt hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia và khu vực”, ông Eliseo Barcas nói.
Dòng vốn FDI đã là động lực giúp Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Tetra Pak Việt Nam
Để đạt được công suất mới, nhà máy của Tetra Pak tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A sẽ tăng cường lực lượng lao động, tạo thêm cơ hội cho cả nhân viên hiện tại và người dân ở khu vực lân cận.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2024, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt hơn 1,8 tỷ đô la Mỹ, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 184 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 767 triệu đô la Mỹ, 160 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 821 triệu đô la Mỹ, 162 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 232 triệu đô la Mỹ. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 135 dự án FDI mới, 110 dự án điều chỉnh tăng vốn và 52 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,48 tỷ đô la Mỹ, chiếm 89% tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 132 dự án đăng ký mới, 126 lượt dự án điều chỉnh vốn và 76 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, với tổng số vốn đầu tư là 1.537,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 91,7% tổng vốn FDI đăng ký vào tỉnh. Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 72,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 2,07% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, năm 2024 Bình Dương vẫn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đến nay, Bình Dương đã vượt qua Hà Nội để vươn lên thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, với 4.378 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 8,6% tổng vốn FDI cả nước. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn tăng thêm, khẳng định niềm tin của doanh nghiệp FDI đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Phát huy lợi thế
Để trở thành “vùng đất hứa” đầy tiềm năng tiếp tục đón các nhà đầu tư, Bình Dương vẫn đang đổi thay không ngừng. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, việc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang thu hút dòng vốn FDI chảy mạnh vào tỉnh, giúp Bình Dương tiếp tục giữ vị thế một trong các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Bình Dương cũng đang tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Bình Dương ưu tiên thu hút FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…
Doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu tại Triển lãm Công nghiệp và sản xuất Việt Nam (VIMF 2024) tổ chức tại Bình Dương
Tính từ đầu năm đến nay, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, trong đó Singapore đứng đầu với 428,9 triệu đô la Mỹ, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với 316,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 18,9% tổng vốn đăng ký; Samoa đứng thứ 3 với 188,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,5% tổng vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc... Theo bà Bonnie Tu, Chủ tịch Tập đoàn Giant, ngoài yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ, lợi thế của Bình Dương được đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của các khu công nghiệp. Thời gian tới, Tập đoàn Giant tiếp tục mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Ngoài nhà máy có vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, tập đoàn quyết định tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III với số vốn đầu tư khoảng 120 triệu đô la Mỹ.
Với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Bình Dương đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Năm 2024, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được khánh thành, khởi công vào dịp công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong niềm hân hoan của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch liên vùng đang triển khai, sắp triển khai như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… sẽ tạo sức bật cho Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng 2 mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông và tạo đà cho phát triển đô thị, tạo tiền đề quan trọng để Bình Dương phát triển bền vững hơn.
NGỌC THANH - THANH TUYÊN