Lạc quan về triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài
(BDO) Trong khi nhiều động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam suy giảm mạnh trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng dương của tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Sự phục hồi của dòng vốn FDI đã minh chứng cho những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, cũng như thể hiện sự yên tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Origin Manufactures Vietnam (doanh nghiệp FDI Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Ðồng Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phục hồi tốt hơn dự kiến
Trong bối cảnh thị trường dấy lên lo ngại về khả năng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đơn hàng, thậm chí là dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam vì tình hình giãn cách xã hội kéo dài, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất thì ngày 31/8/2021 tại Hải Phòng, Công ty TNHH LG Display Việt Nam được trao Giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD cho tổ hợp dự án trong Khu công nghiệp Tràng Duệ. Ðây là lần tăng vốn thứ tư của LG tại Hải Phòng và là lần tăng vốn thứ hai trong năm 2021, nâng quy mô vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. Công ty LG Display kỳ vọng với đợt tăng vốn này sẽ giúp tăng sản lượng màn hình OLED nhựa cho các sản phẩm di động từ 9,6 đến 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 đến 14 triệu sản phẩm/tháng; tăng doanh thu xuất khẩu thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; tăng số nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm và tạo thêm 10 nghìn việc làm. Ông Park Jae Hong, Phó Tổng Giám đốc Công ty LG Display chia sẻ: Doanh nghiệp đánh giá cao sự tạo điều kiện hỗ trợ của thành phố Hải Phòng trong hoạt động của nhà đầu tư. Với quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, LG Display chỉ mất năm ngày để nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho đợt tăng vốn lần thứ nhất và ba ngày đối với đợt điều chỉnh thứ hai. Bên cạnh đó, việc Hải Phòng dành lượng lớn vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho người lao động trong các khu công nghiệp cũng là cơ sở để các doanh nghiệp như LG Display có thể yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
Nỗ lực của Hải Phòng cùng với sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đã giúp địa phương này lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh sách thu hút nhiều vốn ngoại, góp phần quan trọng vào sự phục hồi chung của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong một năm đầy biến động. Tương tự, nhiều địa phương khác vẫn quyết tâm giữ mục tiêu thu hút các dự án FDI lớn trong bối cảnh phải dành mọi nguồn lực ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Ðó là Vĩnh Phúc thu hút dự án Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm của Nhật Bản, tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 7/2021, chuyên sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại tỉnh Vĩnh Phúc; dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam của nhà đầu tư Ðài Loan (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 610 triệu USD tại Bình Dương… Với những nỗ lực đó, từ tháng 9/2021, thu hút vốn FDI đảo chiều, gia tăng trở lại và hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý cuối cùng của năm, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Vẫn chờ đón “đại bàng”
Tại thời điểm sắp “chốt sổ” số liệu thu hút FDI của năm 2021 cũng là lúc Việt Nam đón nhận tin vui khi Tập đoàn Lego (Ðan Mạch) chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Bình Dương. Ðây là nhà máy thứ sáu của Lego trên toàn cầu và nhà máy thứ hai ở châu Á, có tổng vốn đầu tư hơn một tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022. Ðặc biệt, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego khi sử dụng năng lượng tại chỗ từ pin mặt trời do tập đoàn tự đầu tư và năng lượng xanh từ các dự án cung cấp năng lượng gần kề. Việc Lego đầu tư xây dựng nhà máy trị giá một tỷ USD đã đưa Ðan Mạch vươn lên và trở thành một trong 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam và dự báo viễn cảnh lạc quan cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của dòng vốn này trong năm nay và các năm tiếp theo.
Sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Ðăng Khoa
Năm 2021 đã bắt đầu có những chuyển biến từ lượng sang chất của dòng vốn ngoại. Số lượng dự án quy mô nhỏ dưới một triệu USD và dưới năm triệu USD đều giảm hơn 33% so năm trước, dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng đã tăng lên. Nhưng để đón được “đại bàng”, đón dòng đầu tư xanh như kỳ vọng, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2021, đứng đầu danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam là Singapore với vốn đăng ký 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hàn Quốc đứng thứ hai với 5 tỷ USD, chiếm 15,9%; Nhật Bản đứng thứ ba với 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%. Hàn Quốc mặc dù xếp thứ hai về vốn đầu tư nhưng lại là đối tác dẫn đầu về vốn đầu tư mới, vốn tăng thêm và hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Vì vậy, xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư lớn nhất trong năm 2021.
Giáo sư, TS Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá: Các dự báo gần đây cho thấy, vốn FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục về mức trước đại dịch, nhờ dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, nhiều quốc gia ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư. Triển vọng năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD, đạt mục tiêu về số lượng như Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhưng về chất lượng còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, cần đổi mới toàn diện các khâu từ xúc tiến đầu tư, lấy hội nghị, hội thảo là chính sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn. “Ðối với các tập đoàn đa quốc gia, yếu tố thời gian rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đã loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh nhưng thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư vẫn mất sáu tháng đến một năm, tiếp theo còn hàng loạt thủ tục nữa mới triển khai được dự án. Yêu cầu của nhà đầu tư là cấp phép tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày, các thủ tục tiếp theo cũng phải nhanh gọn, nếu không đáp ứng được, chúng ta sẽ mất cơ hội”, Giáo sư Nguyễn Mại phân tích.
Theo Báo Nhân Dân