“Lạc chân” trong thế giới ảo

Thứ năm, ngày 10/03/2011

Kỳ 3: Những đêm dài hại sức!

G.O cũng chỉ là một phương tiện để giải trí, nhưng dần dần người chơi cũng kiệt quệ cả về mặt thể xác lẫn tiền bạc trong thế giới ảo đầy hấp lực ấy. Trong thế giới ảo đầy huyễn hoặc, người chơi lạc lối và trở thành những người đánh mất cả tương lai.

Trắng mắt cùng G.O

Bệnh nghiện G.O xuất phát từ bản chất của nó. Đó là sân chơi online của hàng ngàn người. Họ hơn ganh đua nhau về lever (đẳng cấp) và đồ đạc trong thế giới ảo. Cày càng nhiều, bỏ càng nhiều tiền sẽ càng nhanh chóng tiến bộ. Chính vì thế, khi đã dính vào G.O, người chơi dễ u mê, mộng mị trong thế giới ảo, càng chơi càng cố đua cấp, càng đua càng dính vào cái bẫy của nhà phát hành và lạc lõng vô vọng trong thế giới ấy. Nếu xã hội đã thừa nhận nghiện G.O là căn bệnh thì online về đêm được xem là thứ hành xác kinh khủng nhất đối với người chơi game.

  Net B. là địa chỉ quen thuộc phục vụ khách hàng online về đêm“Chơi G.O mà không đi net đêm thì chưa bao giờ đủ “phê”. Ở Bình Dương hiện nay có rất nhiều tiệm internet phục vụ chơi đêm và đủ các dịch vụ khác nhau” - cậu nhóc cháu tôi tên Hoàng mới 16 tuổi cho biết. Quả thật, dù theo Thông tư liên tịch số 60 của Bộ Văn hóa - Thông tin thì các đại lý internet công cộng chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 6 giờ đến 23 giờ, thế nhưng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn rất dễ dàng tìm được những điểm internet có thể online suốt đêm. Thậm chí, dù cho các nhà mạng như FPT, VNN hay Viettel đều cắt đường truyền đối với các điểm kinh doanh dịch vụ Internet sau 23 giờ trên khắp địa bàn tỉnh nhưng tình hình online về đêm có phần bạo liệt hơn. Về đêm, khi bị cắt gói cước kinh doanh dịch vụ, các tiệm internet đóng cửa kín bưng rồi chuyển sang xài gói cước cá nhân.

Tại quán internet B. ở khu K8, phường Hiệp Thành, chúng tôi có nhiều đêm trắng cùng các game thủ ở đây. Một sinh viên tên Tuấn cho biết, sau khi có Thông tư liên tịch số 60, quán này càng làm ăn phát đạt nhờ mạnh dạn đầu tư thêm 2 đường truyền cá nhân thay thế cho đường truyền dịch vụ đã bị cắt internet sau 23 giờ theo quy định. Quán lúc nào cũng chật cứng khách chơi về đêm. Hôm nào 30 máy trong đại sảnh của quán này cũng chật kín cao thủ võ lâm nhuộm tóc xanh, đỏ.

Không chỉ có quán net B. mà trên địa bàn TX.TDM, TX.Thuận An hay TX.Dĩ An, dễ nhận ra rất nhiều quán internet hoạt động sôi nổi về khuya. Khi những bậc phụ huynh ngon giấc, họ không biết rằng con cái của mình đang dán mắt vào màn hình để bôn tẩu trên thế giới ảo cùng những vương quốc, thành trì, bang hội... đầy hấp lực. Phần lớn các tiệm net đều đóng cửa, tắt điện như đã nghỉ nhưng thực chất vẫn còn khách bên trong và qua mặt các đội kiểm tra liên ngành.

Đó chỉ mới là các tiệm net, bề nổi của tình hình online về đêm. Thực tế thì đời sống vật chất ngày càng sung túc hơn cộng với sự bùng nổ cạnh tranh về giá cả, chất lượng... đang khiến cho internet vươn tới phòng ngủ của các gia đình ngày càng nhiều. Các bậc phụ huynh thương con lắp đường truyền internet để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của con cái đâu hay biết rằng đó là con đường ngắn nhất để con cái họ nhiễm phải nhiều thứ giải trí hao tiền, hại sức. Chị Nguyễn Thị Bình, một phụ huynh ở phường Chánh Nghĩa, TX.TDM mới đây phải lắc đầu khổ sở cho quyết định sai lầm của mình: “Một năm trước, chị kéo internet về nhà để thằng lớn đang học lớp 10 giải trí, tìm tòi thông tin phục vụ cho nhu cầu học tiếng Anh. Bẵng đi một thời gian thấy cháu học hành sa sút, đến lớp bị cô giáo phản ánh hay ngủ gật lại xanh xao, mất ngủ. Kiểm tra, rình rập mãi mới biết nó nghiện online đêm để vùi đầu vào game”.

Mất trắng cả tương lai

Trên các diễn đàn mạng, các game thủ cho rằng online về đêm mới chứng tỏ được... bản lĩnh đích thực. Họ lại cho rằng online về đêm có lợi cho công việc vì nhờ thế mà họ có thể vừa tập trung làm việc vừa thoải mái chơi game. Thực tế cho thấy, đó chỉ là những sự ngụy biện! Online về đêm và vùi đầu vào G.O chỉ là một thú vui hại sức, hại cả tương lai.

Nguyễn Văn Nam, nguyên là sinh viên xây dựng của trường Đại học Bình Dương cho biết: “Mình biết chơi G.O Võ lâm truyền kỳ vào năm thứ 2. Ban đầu chơi ở tiệm net, bao nhiêu tiền đều đổ vào những đêm trắng ở đó mà không thiết gì đến chuyện ăn uống hay nghỉ ngơi. Ban đầu chưa biết chơi G.O, mình 76kg giờ còn 56kg”. Tuy nhiên, bi kịch của Nam không dừng lại ở đó, sau nhiều năm rong ruổi thế giới ảo và trở thành một game thủ nổi tiếng ở Bình Dương, kết quả học tập của Nam là con số 0 tròn vo. Giờ trong khi các bạn bè đã là kỹ sư xây dựng, Nam vẫn đang phải trả nợ hơn 10 môn, gần như vô vọng trong việc kiếm bằng ra trường.

Không chỉ có sinh viên - học sinh là những nạn nhân của thế giới ảo. Những kiến trúc sư như Nguyễn Thế Hoàng cũng là một “con bệnh” của G.O. Ban đầu là vui chơi, nhưng chơi riết thành ghiền online đêm với quá nhiều thứ hấp dẫn, Hoàng và một số bạn trong hội game Chinh đồ của anh thường xuyên thức trắng để chơi game. Hệ quả tất yếu là không bao giờ anh đi làm đúng giờ, đến công ty lại hay ngáp vặt, nhiều khi nói lắp bắp mà không rõ mình nói gì. Từ chỗ là một kiến trúc sư triển vọng, sau 2 năm bôn tẩu trong thế giới ảo, Hoàng trở thành một người... làm việc tự do ở các quán cà phê, ai thuê gì làm nấy.

Online về đêm có cái thú riêng của nó nhưng dường như đa phần là lấy đi sức khỏe của người chơi một cách nhanh chóng. Nếu ghiền thì còn có nguy cơ mất trắng tương lai vì thế giới ảo. Bởi không xã hội nào chấp nhận những nhân lực trắng đêm bên máy, ngủ gật ban ngày vì... G.O cả. Khi mọi người lên giường ngủ cũng là lúc những chuyện oái ăm xảy ra với dân chơi G.O đêm và hậu quả thì chẳng nhẹ chút nào. Một đêm thức trắng để chơi G.O, cặp mắt lúc nào cũng phải căng ra dán vào màn hình, tay cầm ly cà phê cố uống để con mắt không sụp xuống, chưa kể gương mặt phờ phạc là hình ảnh “tiêu biểu” của dân online về đêm. Không khác gì con nghiện, mỗi tội là nghiện thế giới ảo thôi!

Đừng để con cái bạn nghiện G.O

G.O sẽ tước đi ở con cái bạn những cơ hội tốt nhất để học tập, rèn giũa kinh nghiệm cho cuộc sống khó khăn phía trước. Tất cả những nhận xét của các nhà phát hành game cho rằng chơi game để rèn luyện các kỹ năng đều là ngụy biện! Chính vì thế, hãy giúp con cái của mình tránh xa G.O.

Không thể nghiện G.O nếu không có 2 thứ quan trọng là thời gian và tiền bạc. Chính vì thế ngoài việc thường xuyên để mắt đến con mình, các bậc phụ huynh cần kiểm soát số tiền mà chúng tiêu xài hàng ngày. Đừng tưởng cho con nhiều tiền là giúp chúng. Bởi khi có tiền, con bạn sẽ rất dễ vùi đầu vào internet với rất nhiều trò chơi G.O. Cũng đừng nhầm tưởng không cho con cái mình tiền thì đã có thể giúp chúng tránh xa G.O. Các game thủ nghèo sẽ tiêu tốn nhiều thời gian vào việc cày tiền và cung cấp cho người có nhu cầu để lấy tiền chơi G.O. Chính vì thế, phải tiến hành siết chặt đồng thời 2 con đường dẫn đến nghiện G.O kể trên.

Ngoài ra, để con cái mình không sa đà vào thế giới ảo, cần gần gũi, quan tâm và tạo nhiều trò chơi, không gian vận động cho chúng. Học một vài môn võ, chơi các môn thể thao vận động, hướng con cái vào những hoạt động bổ ích ngoài xã hội... là những liệu pháp cực tốt để giúp chúng tránh xa muôn vàn “cái bẫy” mà các nhà phát hành G.O đang giăng ra. Tuyệt đối không trang bị đường truyền internet riêng cho con hay gia đình có nhu cầu sử dụng mà không có khả năng kiểm soát thời lượng online của con cái trong nhà.

LÝ KHÁNH VINH