Kyrgyzstan: Câu chuyện 20 năm trước
Tháng 6-1990, bạo loạn sắc tộc giữa người Kyrgyz và người Uzbek đã từng xảy ra ở Osh, thành phố cổ 3.000 năm tuổi nổi danh là “kinh đô phương Nam” của Kyrgyzstan
Osh là thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan nằm trong thung lũng Fergana, nơi được xem là vựa bánh mì của Trung Á. Từ năm 1939, Osh là trung tâm hành chính của tỉnh Osh, nơi có nhiều dân tộc như Kyrgyz, Uzbek, Nga, Tajik...
Xung đột có truyền thống
Năm 1989, người Uzbek trong tỉnh Osh thành lập tổ chức Adalat đấu tranh quyền lợi cho người Uzbek thời Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Xô viết Kyrgyzstan.Tổ chức này đòi quyền tự trị cho người Uzbek. Một số người thậm chí còn đòi tách khỏi CHXHCN Xô viết Kyrgyzstan và sáp nhập vào nước CHXHCN Xô viết Uzbekistan láng giềng. Adalat cũng đề nghị chính phủ công nhận tiếng Uzbek là quốc ngữ trong khu vực.
Dĩ nhiên những đòi hỏi của người Uzbek đã bị cộng đồng đa số người Kyrgyz phản đối kịch liệt. Người Kyrgyz cũng thành lập một tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình là Osh -Aimagy.
Một góc căn cứ không quân Kant của Nga ở Kyrgyzstan.
Lúc bấy giờ tranh chấp lớn nhất giữa hai sắc tộc Uzbek và Kyrgyz ở Osh là việc phân bổ ruộng đất canh tác vốn không dồi dào lắm trong khu vực. Tranh chấp này là một phần của cuộc xung đột mang tính truyền thống giữa dân du mục Kyrgyz và dân định cư Uzbek từ mấy trăm năm nay.
Cuộc bạo loạn sắc tộc tháng 6-1990 có nhiều nguyên nhân. Bắt đầu từ một cuộc tranh chấp về nguồn nước. Một nhóm người Uzbek ở một dải đất dồi dào nguồn nước. Ruộng đất nơi đây trù phú. Điều này khiến một số người Kyrgyz cho rằng việc phân bổ đất đai cho người Uzbek như vậy là không công bằng.
Tình hình nhà ở thiếu thốn cộng với nền kinh tế èo uột (giá cả thực phẩm leo thang từng ngày, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 22,8%) đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai cộng đồng sắc tộc Kyrgyz và Uzbek.
Đầu năm 1990, người Kyrgyz gửi chính quyền 500 lá đơn xin cấp đất để xây nhà ở. Bị bác bỏ, tổ chức Osh-Aimagy đe dọa chiếm đất xây nhà. Chính quyền Osh lúc bấy giờ nằm trong tay đa số người Kyrgyz. Trước áp lực của Osh-Aimagy, chính quyền đồng ý cấp đất thuộc quyền sở hữu của nông trang tập thể người Uzbek cho người Kyrgyz.
Ngày 4-6-1990, người Kyrgyz chạm trán với người Uzbek trên những lô đất của người Uzbek cấp cho người Kyrgyz. Dân quân địa phương dùng vũ lực can thiệp để giải tán hai phe.
Cuộc tranh chấp đất đai nhanh chóng trở thành một cuộc bạo loạn sắc tộc lan rộng. Cũng giống như tháng 6-2010, ở thành phố Osh và trong tỉnh, người Kyrgyz tấn công người Uzbek.
Bạo loạn bùng nổ trước hết ở huyện Uzgen và các vùng nông thôn phụ cận. Nhật báo quân đội Liên Xô Krasnaya Zvezda tường thuật có 107 người chết, 436 người bị thương, 500 ngôi nhà bị đốt phá trong những vụ xung đột sắc tộc giữa người Kyrgyz và người Uzbek.
Ngày 6-6-1990, Bộ Nội vụ Liên Xô đưa quân đội đến các nơi bùng nổ bạo loạn sắc tộc, chủ yếu là thành phố Osh - nơi diễn ra những cuộc bạo loạn đẫm máu nhất.
Hãng tin Mỹ AP ngày 10-6-1990 cho biết tại Osh, xe bọc thép Liên Xô đậu ở các ngã tư và lính bộ nội vụ tuần tra trên đường phố để ngăn chặn những kẻ bạo động. 512 người bị bắt giữ về tội vi phạm lệnh giới nghiêm và mang vũ khí trái phép.
Trước đó một tuần, tại thủ đô Frunze (nay là Bishkek), những người Kyrgyz kêu gọi đồng hương tham gia cuộc chiến chống người Uzbek ở thành phố Osh.
Trong khi đó, quân đội Liên Xô đóng cửa biên giới Kyrgyzstan-Uzbekistan để ngăn chặn hàng ngàn người Uzbek vượt biên giới vào thành phố Osh để giúp đồng hương. Lệnh giới nghiêm ban hành ở Osh sau đó được áp dụng cho cả khu vực bao gồm Osh, Frunze và các vùng biên giới.
Nhật báo Komsomolskaya Pravda, xuất bản tại Moscow, cho biết thêm những cuộc bạo loạn chủ yếu do thanh niên gây ra bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của chính quyền Xô viết. Tại huyện Nauket, gần thành phố Osh, các trưởng tộc Uzbek và Kyrgyz ngồi lại với nhau bàn cách thuyết phục giới trẻ kiềm chế tính khí hung hăng.
Vai trò của Nga
Đáng chú ý là vào thời điểm lúc bấy giờ cả hai nước Kyrgyzstan và Uzbekistan đều nằm trong Liên bang Xô viết. Chuyện xung đột sắc tộc Uzbek-Kyrgyz coi như “chuyện trong nhà” giải quyết không khó lắm. Quân đội Liên Xô dễ dàng lập lại trật tự trong vài tuần với hàng ngàn quân có mặt tại chỗ.
Sự can thiệp nhanh chóng của quân đội Liên Xô đã ngăn chặn cuộc bạo loạn sắc tộc kéo dài và lan rộng khắp nơi gây bất ổn trong vùng. Tình hình lúc đó khác xa bây giờ.
Trong cuộc xung đột sắc tộc tháng 6 năm nay, Kyrgyzstan là một quốc gia độc lập. Nga có một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan thì Mỹ cũng có căn cứ không quân Manas.
Sau khi thừa nhận chính phủ lâm thời mất quyền kiểm soát ở Osh, Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan, bà Rosa Otunbayeva, đã chính thức kêu gọi Nga gửi quân đến bảo vệ các điểm xung yếu của nước này nhưng Nga đã từ chối.
Nga chỉ gửi một tiểu đoàn đến Kant, căn cứ quân sự Nga, để tăng cường bảo vệ hai tiểu đội và gia đình quân nhân thường trú tại đây. Đồng thời, Nga gửi 3 chiếc máy bay vận tải Iliushin IL-76 chở hàng cứu trợ, thuốc men giúp những người chạy loạn.
Phân tích vai trò của Nga tại Kyrgyzstan, Bruce Pannier, bình luận viên của đài RFE/RL châu Âu, nhận định rằng thái độ thận trọng của Nga không có gì là khó hiểu.
Bài học năm 1990 cho thấy phải có ít nhất vài ngàn quân mới có thể can thiệp có hiệu quả và sau đó phải lưu trú ít nhất vài tuần, thậm chí vài tháng để bảo đảm an ninh. Trong khi đó, chính phủ lâm thời Kyrgyzstan còn non yếu, không ai dám bảo đảm chính phủ này có tồn tại đến hết năm. Vậy đổ quân vào Kyrgyzstan là nhằm bảo vệ ai? Nếu chính quyền này sụp đổ, chính quyền mới có thân thiện với Nga hay không? Đây là những câu hỏi khiến Nga không muốn hành động một mình.
(THEO NLĐ)