Kỳ vọng vào sự đổi mới!
(BDO) Một năm học mới nữa đã bắt đầu. Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, năm học này là năm đầu tiên ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, nhẹ nhàng. Với chủ trương lễ hội khai giảng hướng đến học sinh, nên các trường học tổ chức nhiều hoạt động vui tươi cho học sinh như: Trò chơi dân gian, văn nghệ, giới thiệu truyền thống về lịch sử địa phương, nhà trường; trưng bày đồ dùng dạy học tự làm tiêu biểu, trồng cây xanh…
Đổi mới để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là đối với ngành giáo dục. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…”. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cũng đã đề ra Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thực hiện chủ trương đổi mới, trong hè năm 2015, BộGD-ĐT đã thực hiện đổi mới hình thức thi THPT quốc gia. Đây là bước đột phá đầu tiên của sự đổi mới. Với kỳ thi này, kết quả thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Như vậy học sinh giảm được áp lực thi cử, đồng thời giảm tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên thực hiện nên đã có những bất cập trong đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên. Tại buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015, Bộtrưởng BộGD-ĐT đã thừa nhận bất cập này. Bộtrưởng khẳng định, trong thời gian tới vẫn tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nhưng sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn về kỹ thuật và thời gian tổ chức kỳ thi này.
Cũng liên quan đến đổi mới, năm học 2015- 2016, BộGD-ĐT đã nghiêm cấm các địa phương tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Việc làm này đã được dư luận xã hội đồng tình, tránh được tình trạng dạy thêm - học thêm khiến cho ngành đau đầu bấy lâu nay nhưng khó chấn chỉnh.
Một điểm mới khác cũng cần nhắc đến là, năm học 2015-2016, ngành giáo dục cam kết đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và tiếp tục đổi mới về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Và Bộtrưởng cũng hứa sẽ chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách… cho giáo viên, tạo điều kiện cho thầy cô dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh.
Xã hội đã giao cho ngành GD-ĐT trách nhiệm cao cả, đó là “trồng người”. Để thực hiện sứ mệnh ấy, ngành GD-ĐT nói chung thường xuyên đổi mới, để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nước nhà. Xã hội đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào sự quyết tâm đổi mới thực sự của ngành.
VĂN HIỆP