Kỳ vọng hiệu quả kinh tế từ cây lựu đỏ Ấn Độ
(BDO) Kinh phí đầu tư ban đầu cho 1 ha trồng lựu đỏ Ấn Độ chỉ bằng 2/3 so với trồng bưởi, chi phí chăm sóc bằng khoảng một nửa, nhưng thu nhập gấp nhiều lần trồng bưởi, khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đó là khẳng định của ông Lê Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo về cây lựu đỏ mà ông đang triển khai trồng hiện nay sau 3 năm miệt mài dày công nghiên cứu và theo đuổi về việc chuyển đổi mô hình trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế mà ông luôn trăn trở, tạo bước đột phá mới cho hoạt động của hợp tác xã về dài lâu.
Ông Lê Văn Thuận giới thiệu về cây lựu đỏ Ấn Độ 3 năm tuổi đã được ông chiết cành để nhân giống, hiện đang ra hoa và cho quả
Ông Thuận cho biết năm 2016, trong một chuyến du lịch kết hợp học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, ông được người bạn giới thiệu qua Ấn Độ tham quan. Tại chuyến đi này ông tình cờ được thưởng thức món lựu lạ, ruột đỏ au, nhưng khi ăn vào rất ngọt và thơm.
Sau chuyến đi, ông bắt đầu ấp ủ niềm đam mê tìm kiếm và đưa giống cây lựu đỏ về trồng thử. Rất khó khăn ông Thuận mới tìm ra được nguồn cung cấp cây giống. Để chắc chắn cây lựu có thể phát triển được ở khí hậu nắng mưa hai mùa như vùng đất Đông Nam bộ, ban đầu ông Thuận mua gần 100 cây giống về trồng, trên diện tích khoảng 1 sào. Dù thay đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, nhưng cây lựu phát triển khá tốt. Sau khoảng gần 1 năm kể từ khi trồng, cây lựu bắt đầu cho ra trái. Nhận thấy đây là giống cây trồng phù hợp, dễ thích nghi với điều kiện thời tiết ở nước ta, nhất là vùng đất Đông Nam bộ, ông bắt đầu hướng đến việc sản xuất thương mại, nhằm đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng sản phẩm lựu đỏ có giá trị kinh tế, lẫn giá trị dinh dưỡng cao.
Thành công từ những thử nghiệm bước đầu, ông Thuận bắt đầu tổ chức trồng trên quy mô lớn, bằng cách chiết cành, nhân giống trên cơ sở 1 sào lựu giống đã trồng. Năm 2019, ông bắt đầu xuống giống trên diện tích 3 ha xen với cây vú sữa hoàng kim nhằm tận dụng khoảng không bên dưới, hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
Theo ông Thuận, vốn đầu tư 1 ha cây lựu đỏ ban đầu khoảng 300 triệu đồng cho phân, giống, thuốc trừ sâu, trong đó riêng giống khoảng 180 triệu đồng/ha/900 cây. Đặc điểm của cây lựu đỏ Ấn Độ đó là có thể sống dưới tán cây, thiếu ánh nắng, nhưng lại cần rất ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, nên ít phải sử dụng thuốc trừ sâu. Cây lựu ưa thích bón phân hữu cơ, nên người trồng cần lưu ý phải hạn chế sử dụng phân hóa học. Do là cây có thời gian sinh trưởng nhanh, nên người nông dân có thể thu hồi vốn nhanh. Thêm điểm đặc biệt của cây lựu đỏ Ấn Độ đó là thời gian sinh trưởng và cho trái khoảng 20 năm, năng suất cao, tỷ lệ phát triển đều trên vườn cây đạt từ 90 - 95%.
Sau 9 tháng kể từ khi xuống giống cây bắt đầu cho ra hoa và cho mỗi năm 2 vụ quả, tỷ lệ đậu trái tự nhiên của cây lựu đỏ Ấn Độ đạt rất cao từ 80%, nếu có sự can thiệp của con người, tỷ lệ đậu trái có thể đạt 98%. Năng suất đạt khoảng 33kg/cây/vụ, tương đương 30 tấn/ha, trọng lượng mỗi trái lựu khi được hái đạt từ 0,5kg. Một điểm đặc biệt nữa là cây lựu càng già thì chất lượng quả càng cao, càng có nhiều dưỡng chất trong hạt, với các chất chống oxy hóa và các vitamin rất tốt cho sức khỏe con người, nhất là phụ nữ.
Theo ông Thuận tính toán, với năng suất bình quân 60 tấn/năm và với giá bán của thị trường trong nước trung bình hiện nay là 50.000 đồng/ kg, thì 1 ha lựu đỏ Ấn Độ cho người trồng thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng. Còn nếu theo giá bán được các siêu thị đặt hàng là 150.000 đồng/kg, đạt trên dưới 9 tỷ đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm lựu đỏ Ấn Độ cũng khá hút hàng. Ông Thuận cho biết hiện rất nhiều siêu thị đặt hàng nhưng ông chưa dám ký cam kết bởi hiện nay chưa có sản phẩm đưa ra thị trường. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm lựu đỏ Ấn Độ có thể xuất bán sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, kể cả xuất qua Ấn Độ, bởi đây là thị trường tiêu thụ rất rộng lớn, nhu cầu cao. Tuy nhiên, ông Thuận cho biết sẽ luôn ưu tiên đưa sản phẩm ra thị trường trong nước, đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng nội địa trước để người dân được thưởng thức giá trị đặc biệt của cây lựu đỏ và muốn đem lại những điều tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước.
HOÀI PHƯƠNG